Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo mới về cơ chế ”một cửa”, ”một cửa liên thông”: Vẫn thiếu chế tài xử lý

Phong Thu| 08/07/2014 06:19

(HNM) - Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Quyết định ban hành quy chế thực hiện cơ chế

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Trần Hải


Điểm khác biệt đầu tiên là trong phần quy định chung của dự thảo Quyết định có quy định về cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" hiện đại. Nếu như trước đây, Quyết định 93/2007/QĐ-TTg chưa đề cập đến khái niệm bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại thì nay dự thảo đã dành cả Điều 10 cho nội dung này. Trong đó, nêu rõ tiêu chí khẳng định sự khác biệt của việc hiện đại, phù hợp với sự phát triển trong giai đoạn hiện nay như: Có đủ điều kiện để tiếp nhận hồ sơ được nhận qua đường bưu điện và thực hiện các giao dịch hành chính công trực tuyến ở mức độ 3 và 4; áp dụng phần mềm dùng chung với các phân hệ chức năng, khoa học, tiện lợi. Phần mềm dùng chung cũng phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản: Chuẩn hóa thủ tục, hồ sơ, đưa mã số, mã vạch vào quản lý; cho phép tích hợp chữ ký số trong quá trình giải quyết hồ sơ hành chính; tạo nền tảng để các cơ quan hành chính nhà nước phối hợp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường mạng một cách xuyên suốt, nhất quán theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông".

Đáng chú ý, dự thảo đã quy định sâu hơn về yêu cầu, trách nhiệm và quyền lợi đối với công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Một số bất cập được phát hiện trong 7 năm thực hiện cơ chế "một cửa" theo Quyết định 93 đã được nghiên cứu, xem xét và điều chỉnh. Nếu những điều khiến công dân phiền lòng khi thực hiện TTHC chủ yếu là do thái độ giao tiếp, trình độ chuyên môn cũng như sự tận tình của cán bộ còn hạn chế thì nay sẽ được khắc phục. Ngoài yêu cầu có chuyên môn, phẩm chất, đạo đức và tính chuyên nghiệp, cán bộ phải có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc trong giao tiếp với cá nhân, tổ chức. Cán bộ, công chức phải hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC đầy đủ, rõ ràng, chính xác, bảo đảm chỉ phải bổ sung hồ sơ một lần; đồng thời, chủ động tham mưu, đề xuất sáng kiến cải tiến việc thực hiện TTHC. Như vậy, so với trước đây, dự thảo có yêu cầu trách nhiệm công việc cao hơn đối với mỗi công chức. Điều đó đồng nghĩa với việc công dân sẽ được phục vụ tốt hơn. Một vấn đề tồn tại lâu nay và một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến thái độ, chất lượng giải quyết công việc là quyền lợi của cán bộ, công chức, thì nay cũng đã được nêu rõ ở 3 nội dung: Được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ và văn hóa ứng xử, giao tiếp; được trang bị đồng phục trong quá trình thực thi nhiệm vụ; được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định hiện hành.

Có thể khẳng định, về cơ bản, dự thảo Quyết định ban hành quy chế thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đã đề cập, bổ sung nhiều điểm mới nhằm khắc phục những bất cập được phát hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, còn một điểm nghẽn từ sự "vênh" nhau giữa các văn bản khiến việc thực hiện cơ chế "một cửa" bị lúng túng lại chưa được quy định rõ ràng tại dự thảo. Cụ thể, trong Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam, cộng đồng dân cư tại phường nộp hồ sơ và nhận giấy chứng nhận tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường) cấp huyện. Còn trong Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lại quy định: Cơ chế "một cửa" là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của một cơ quan hành chính nhà nước, từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính nhà nước. Điều này làm cho bộ phận "một cửa" ở cấp huyện gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, các quy định về diện tích làm việc tối thiểu của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (cấp tỉnh và cấp xã: 40m2; cấp huyện: 80m2) còn nhiều nơi chưa thực hiện đúng; hay việc bố trí trang thiết bị làm việc chưa phải nơi nào cũng thực hiện nghiêm túc. Song, ở cả Quyết định 93 và dự thảo Quyết định mới đều chỉ đề cập đến việc khen thưởng, kỷ luật một cách chung chung. Nhiều người lo ngại, những bất cập tồn tại suốt 7 năm chưa được khắc phục bởi không có chế tài xử lý, nay lại tiếp tục thiếu chế tài thì sẽ khó triển khai hiệu quả trong thực tiễn. Vì vậy, những người làm công tác cải cách hành chính mong muốn có một nghị định về thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện.

Dự thảo Quyết định ban hành quy chế thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương sẽ lấy ý kiến đến hết ngày 13-8-2014 để nghiên cứu, chỉnh sửa trước khi trình Chính phủ. Quyết định được Chính phủ thông qua sẽ thay thế Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22-6-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế "một cửa", cơ chế "một cửa liên thông" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Vì vậy, mỗi tổ chức, cá nhân cần đóng góp ý kiến thiết thực, góp phần xây dựng môi trường giải quyết TTHC thông thoáng, thuận lợi. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo mới về cơ chế ”một cửa”, ”một cửa liên thông”: Vẫn thiếu chế tài xử lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.