(HNM) - Theo đánh giá chung, ngành du lịch Hà Nội chưa phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có, biến chúng thành sản phẩm hấp dẫn, rõ nét riêng có.
Làm thế nào để Hà Nội tiếp tục nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch? Đó là chủ đề hội thảo do Sở VH,TT&DL Hà Nội tổ chức ngày 4-4 trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM - Hà Nội 2015.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Hà Nội là nơi tập trung hơn 5.000 di tích lịch sử, văn hóa - nhiều nhất nước. Bên cạnh đó, với cảnh quan thiên nhiên đa dạng và nhiều sức cuốn hút, Hà Nội luôn lọt vào danh sách các điểm đến hấp dẫn trong khu vực cũng như thế giới. Điển hình là vào tháng 3 vừa qua, TripAdvisor đã bầu chọn Hà Nội là 1 trong 10 điểm đến được ưa thích nhất thế giới năm 2015. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có. Cụ thể, từ nhiều năm nay, sản phẩm du lịch Hà Nội chưa có sự đổi mới đáng kể, khách đến, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là đi thăm phố cổ, xem múa rối nước, viếng Lăng Bác, thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học... Chính vì vậy, hơn 40% số du khách xuống sân bay chỉ ghé qua Thủ đô rồi rời đến các điểm khác, không lưu trú dài ngày tại Hà Nội. Thống kê sơ bộ cho thấy, khách đến Hà Nội tiêu không quá 100 USD mỗi ngày đối với khách quốc tế và khoảng 40 USD mỗi ngày đối với khách nội địa.
Sự niềm nở, hiếu khách cũng là một điểm mạnh thu hút khách du lịch đến với Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm |
Hà Nội đặc biệt thiếu những nơi vui chơi giải trí. Nhiều khách du lịch, nhất là người phương Tây thường thích tới các quán bar, vũ trường về đêm nhưng do quy định về thời gian hoạt động nên các quán bar của Hà Nội không thể phục vụ du khách muộn. Hiện nay, ngoài các khu vui chơi như Công viên nước Hồ Tây, Thiên đường Bảo Sơn, Khu nghỉ dưỡng Ba Vì… Hà Nội thiếu những khu resort và dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp. Theo ông Nguyễn Trung Dũng, đại diện tập đoàn VinGroup, các khu vui chơi giải trí tại Hà Nội chưa được đầu tư công phu, tạo ấn tượng về sự khác biệt, chưa tạo được cảm giác "phải ghé thăm" đối với du khách thế giới. "Các khu vui chơi được đầu tư khá ở Hà Nội như Thủy Cung Vinpearlland hay sân băng thật đầu tiên tại Việt Nam Vinpearlland Ice Rink cũng không phải điều gì lạ lẫm đối với du khách đến từ thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Australia, Pháp, Nhật Bản...", ông Nguyễn Trung Dũng nhấn mạnh.
Hà Nội có tới 1.300 làng có nghề, trong đó có gần 300 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống với nhiều loại hình như gốm sứ, sơn mài, đúc đồng, mây tre... Thế nhưng, ngoài làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm) và làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) mỗi năm thu hút khoảng chục nghìn du khách trong và ngoài nước thì nhiều làng nghề khác, dù đã được đặt biển "điểm du lịch làng nghề" như mây tre đan Phú Vinh, thêu Quất Động... nhưng chẳng mấy khi có khách du lịch ghé thăm. Nguyên nhân vì hạ tầng kém, sản phẩm đơn điệu.
Việc khai thác giá trị của các di sản tại Hà Nội cũng khá mờ nhạt. Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long là một ví dụ. Năm 2004, khi mới mở cửa, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long thu hút chừng 200.000 lượt khách mỗi tháng. Thế nhưng, trong cả năm 2013, khu di tích này chỉ đón được 120.000 lượt khách, con số trong năm 2014 là 160.000 khách. Nguyên nhân là do nơi đây chưa có sản phẩm đặc sắc, đặc biệt là những hoạt động thể hiện nét đặc trưng đời sống hoàng cung chưa được khai thác để tạo nét hấp dẫn riêng.
Bài toán đa ngành
Nhằm thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn, UBND thành phố đã thông qua Quy hoạch Phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Hà Nội xác định văn hóa là thế mạnh và là sản phẩm đặc trưng. Hà Nội sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch như tham quan di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, phố cổ, lễ hội... Ngoài ra, Hà Nội sẽ tăng cường khai thác loại hình du lịch sinh thái tại khu vực Vườn quốc gia Ba Vì, khu danh thắng Hương Sơn, khu vực Núi Sóc - hồ Đồng Quan và các điểm vui chơi giải trí tổng hợp tại Sóc Sơn, Ba Vì, Hồ Tây, Thiên đường Bảo Sơn...
Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho rằng, để Hà Nội thật sự hấp dẫn và thu hút khách du lịch, cần định hướng quy hoạch phát triển từng loại hình sản phẩm du lịch, sau đó tìm kiếm nguồn lực, xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện. "Thành phố sẽ đảm nhiệm các yếu tố như hạ tầng, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, xúc tiến, quảng bá du lịch. Còn việc xây dựng sản phẩm du lịch sao cho thật hấp dẫn thì cần xã hội hóa để bảo đảm sự phát triển bền vững", ông Trương Minh Tiến nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề vui chơi giải trí cho du khách, theo ông Nguyễn Trung Dũng, Nhà nước cần xem xét lại vấn đề quy hoạch, quan tâm và có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối với các nhà đầu tư muốn phát triển khu vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, cần xây dựng cẩm nang du lịch dành riêng cho các khu vui chơi giải trí tại Hà Nội để hướng dẫn và tư vấn chi tiết cho khách du lịch biết những địa điểm, vui chơi giải trí đạt chất lượng.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tour, trước hết, Hà Nội cần quy hoạch lại các địa điểm tham quan, địa điểm giải trí; có chính sách ưu tiên phát triển những điểm đến đủ sức hấp dẫn du khách và điều kiện hạ tầng đã đáp ứng được yêu cầu của du khách, không nên đầu tư phát triển tràn lan. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa thông tin về điểm đến bởi hiện nay đang có sự nhiễu loạn về thông tin, khiến du khách không biết thông tin nào là chính xác.
Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourists cho rằng, sức hấp dẫn của Hà Nội đã có sẵn, nhưng để biến lợi thế tài nguyên thành sản phẩm "bán chạy" thì các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý phải ngồi lại với nhau để không chỉ xây dựng sản phẩm tốt, mà cần phối hợp đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị dưới nhiều hình thức. Hà Nội cần quan tâm đầy đủ tới việc xây dựng, đổi mới sản phẩm du lịch bởi hiện nay, quan điểm "hữu xạ tự nhiên hương" không còn chỗ trong tư duy về kinh tế du lịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.