(HNMO) - Các nhà khoa học đang lo sợ một trận động đất khủng khiếp có thể sắp tấn công thế giới sau khi châu Á hứng chịu trận động đất thứ 5 chỉ trong vòng 72 giờ.
Trang tin Express cho biết, các trận động đất mới nhất xảy ra ở châu Á đã khiến hàng chục người chết.
Trận động đất mới nhất xảy ra sáng nay, 16/4, tại đảo Kyushu, Nhật Bản có cường độ 7,3 độ richter đã làm bị thương hơn 1.000 người và khiến nhiều người bị mắc kẹt trong các tòa nhà sập đổ. Trận động đất này ập đến chỉ một ngày sau trận động đất giết chết 9 người cũng ở chính khu vực này.
Số người chết trong trận động đất sáng nay ở Kyushu là 16 người. Khoảng 20.000 binh sĩ đã được điều đến khu vực này để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.
Đã có những trận động đất lớn khác được ghi nhận trong những ngày gần đây, trong đó một trận động đất lớn ở miền nam Nhật Bản, phá hủy nhiều tòa nhà và khiến ít nhất 45 người bị thương. Trận động đất này đến sau trận động đất xảy ra ở Myanmar hôm 13/4. Các dư chấn của nó có thể được cảm nhận từ cách xa khoảng 800km, tại công viên quốc gia Ấn Độ.
Cơ quan quản lý cháy và thảm họa Nhật Bản cho biết, 7.262 người ở tỉnh Kumamoto đã phải tìm nơi trú ẩn tại 375 trung tâm. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố sẽ làm tất cả những gì có thể để cứu sống những người gặp nạn do thiên tai.
Theo các nhà khoa học, tần suất các trận động đất lớn ở Nam Á và Thái Bình Dương đã tăng lên trên mức trung bình kể từ đầu năm nay. Sự gia tăng này làm dấy lên những lo ngại về sự lặp lại của trận động đất Nepal năm 2015, vốn đã khiến 8.000 người chết, hoặc thậm chí là một thảm họa còn tồi tệ hơn.
Thế giới có khả năng sắp hứng chịu trận động đất vô cùng khủng khiếp |
Roger Bilham, một nhà địa chấn học thuộc Đại học Colorado cho biết: "Các điều kiện hiện tại có thể kích hoạt ít nhất 4 trận động đất có cường độ lớn hơn 8,0 độ richter". Và nếu điều này chậm xảy ra, sự căng thẳng được tích lũy trong nhiều thế kỷ sẽ kích hoạt những trận động đất lớn thảm khốc hơn rất nhiều.
Trận động đất xảy ra hôm 14/4 tại Nhật Bản được theo sau bằng một trận động đất 5,9 độ richter ngoài khơi bờ biển phía nam Philippines. Trận động đất này ập đến vào lúc 2h20' sáng (giờ địa phương), ngoài khơi hòn đảo Mindanao.
Tại Nhật Bản, nhiều tòa nhà đã bị phá hủy sau trận động đất 6,4 độ richter. Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết, tâm chấn của trận động đất nằm ở thị trấn Mashiki, tỉnh Kumamoto.
Hôm qua, một trận động đất mạnh 6,0 độ richter cũng đã tấn công ngoài khơi quần đảo Vanuatu, thuộc Thái Bình Dương. Trận động đất này xảy ra cách thị trấn cảng Orly khoảng 70km và là trận động đất thứ tư xảy ra trong tuần tại khu vực này. Vanuatu nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương.
Các nhà địa chấn học cho rằng, khu vực Himalaya có lẽ không thể chịu đựng được một chấn động nào mạnh hơn trận động đất 7,9 độ richter từng xảy ra ở Nepal năm ngoái.
Các trận động đất hôm qua đã nâng tổng số trận động đất xảy ra trên khắp châu Á trong khoảng thời gian chỉ hơn 3 tháng qua lên 9 trận.
Cách đây 5 ngày, hôm 10/4, sáu người đã thiệt mạng ở Pakistan khi một trận động đất mạnh 6,6 độ richter tấn công Kabul với các cơn dư chấn có thể cảm nhận được ở Ấn Độ. Hai ngày trước đó, vào ngày 8/4, đã có một trận động đất cường độ 4,2 độ richter xảy ra ở Nepal. Nước này cũng đã hứng động đất 5,5 độ richter ngày 22/2 vừa qua.
Một tháng trước đó, vào ngày 20/1, đã xảy ra động đất mạnh 6,1 độ richter tại Trung Quốc. 16 ngày trước đó, 11 người đã thiệt mạng trong trận động đất mạnh 6,7 độ richter ở Manipur, Ấn Độ.
Một nghiên cứu khoa học từng được công bố trên tạp chí Nature Geoscience cho rằng, trận động đất Nepal đã không thể phá vỡ các phần bị kẹt bên dưới dãy Himalaya và ở phía tây lưu vực Kathmandu do một số rào cản về nguồn gốc cơ khí và kết cấu. Chính vì vậy, căng thẳng không được gỡ bỏ trong khu vực này có thể bị giải phóng, dự báo gây ra một trận động đất cực lớn.
BK Rastogi, Tổng giám đốc Viện nghiên cứu địa chấn có trụ sở tại Ahmedabad cho biết: Một trận động đất cùng cường độ là quá hạn. Nó có thể xảy ra hôm nay hoặc 50 năm tới ở khu vực Kashmir, Himachal, Punjab và Uttarakhand Himalaya. Những khoảng trống địa chấn đã được xác định ở các vùng này.
"Sự tích lũy căng thẳng địa chất đang diễn ra khắp nơi. Nhưng chúng ta không biết và cũng không rõ khi nào nó đạt tới giới hạn đàn hồi. Những gì chúng ta biết là nó đang xảy ra ở khắp mọi nơi", ông nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.