Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án thoát nước đợi mặt bằng: Phố vẫn thành “sông”

Khánh Khoa| 23/07/2014 06:00

(HNM) - Sự bức xúc của người dân cứ kéo từ trận mưa này sang trận mưa khác, từ mùa mưa này sang mùa mưa khác, từ năm này sang năm khác. Chuyện mưa to là ngập không biết đến bao giờ mới hết.

Sau mỗi trận mưa lớn, nhiều tuyến phố ở Hà Nội lại ngập chìm trong nước. Ảnh: Như Ý


Nhiều tuyến phố hễ mưa là ngập

Cơn mưa lớn sáng ngày 17-7, trong vòng một tiếng đã "trút" 108mm xuống khu vực quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm, khiến cho nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, nút Mai Dịch bị ngập nặng. Mưa lớn, lại đúng giờ cao điểm nên tình trạng giao thông hỗn loạn. Đặc biệt các tuyến phố nằm trong khu đô thị Cầu Giấy như Thành Thái, Duy Tân, Phùng Chí Kiên, Trần Thái Tông… chìm trong nước đã kéo theo úng ngập cho tuyến Cầu Giấy, Xuân Thủy. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, tuyến đường Phạm Văn Đồng, Trần Bình, Phan Văn Trường úng ngập với mức độ 0,1 đến 0,2m; trong khi các vị trí khác như Hoàng Quốc Việt (trước Đại học Điện lực), phố Trần Đăng Ninh, nút Mai Dịch… ngập sâu 0,1-0,3m.

Theo ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, hiện khu vực các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân trở thành "trọng điểm" ngập của thành phố do chưa có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoặc đã có nhưng không được kết nối đồng bộ. Điển hình nhất là tuyến đường Phạm Văn Đồng, trước đây hai bên đường chủ yếu là hồ, ruộng nước mưa tiêu thoát tự chảy. Cùng với đô thị hóa, hồ ruộng bị lấp, thay vào đó là công trình được xây dựng, vì vậy, tuyến đường này các phố Vũ Trọng Phụng, Quan Nhân, Giải Phóng (đoạn Giáp Bát, Đuôi Cá, Thịnh Liệt)… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đặc biệt, ngoài nguyên nhân lượng mưa lớn, dồn dập trong thời gian ngắn, còn một lý do chủ quan là hệ thống thoát nước trên các tuyến phố ở quận Cầu Giấy thường xuyên rơi vào tình trạng hễ mưa là ngập chưa được bàn giao về một đầu mối quản lý, vận hành và đấu nối với hệ thống chung, dẫn đến tình trạng ngập úng nghiêm trọng.

Nếu khu vực phía tây thành phố ngập do đô thị hóa, thiếu hạ tầng, hạ tầng không kết nối đồng bộ thì tại khu vực nội đô cũ các điểm ngập thường do địa hình trũng, năng lực thoát nước của hệ thống hạn chế, mới đáp ứng được lượng mưa 310mm/2 ngày. Mặc dù được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, làm mới nhiều tuyến cống thoát nước, nạo vét, cống hóa kênh mương… số điểm ngập, thời gian ngập giảm đáng kể, song thống kê của Công ty Thoát nước Hà Nội cho thấy, nếu lượng mưa lớn từ 50mm đến 100mm trong 2 giờ, nội đô cũ vẫn có khoảng 20 điểm úng, ngập. Cũng lấy trận mưa lớn sáng 17-7 làm ví dụ, dù lượng mưa đo được khoảng 40mm (tại Vân Hồ), nhưng đã có rất nhiều tuyến đường bị ngập khi mưa. Thậm chí, khu vực trung tâm như ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng, các phố Đinh Liệt, Tông Đản, Gia Ngư, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Thợ Nhuộm… ngập sâu từ 0,2 đến 0,3m. Rất khó cải thiện được tình hình nếu không có đầu tư lớn cho hệ thống thoát nước vì thực tế phần lớn điểm ngập trong nội đô cũ là điểm trũng, tiêu thoát nước không thuận, dòng chảy bị xung đột. Nhiều điểm đương nhiên khi có mưa lớn là thành "sông", phải chờ cho hệ thống chung rút xong mới đến những điểm này.


Tình trạng ngập úng sau mỗi trận mưa vẫn thường xuyên xảy ra. Ảnh: Như Ý


Dự án ì ạch vì đợi mặt bằng

Đáng chú ý, qua những trận mưa lớn từ đầu mùa mưa đến nay trên địa bàn thành phố xuất hiện thêm các điểm ngập do đang thi công các hạng mục hệ thống thoát nước trên kênh, mương (phố Vĩnh Tuy, Mạc Thị Bưởi, Đội Cấn, Thụy Khuê…). Tình trạng úng ngập chỉ được cải thiện phần nào nếu những dự án thoát nước đang triển khai được hoàn thành sớm.

Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội cho biết, theo hiệp định vay vốn, dự án thoát nước giai đoạn II phải hoàn thành trước tháng 12-2015. Nhưng, hiện các quận, huyện mới bàn giao 80% khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) và phần mặt bằng bàn giao không liền tuyến nên rất khó đưa máy móc vào thi công. Trong khi đó, phần mặt bằng do Ban Quản lý dự án thực hiện việc thu hồi, mặc dù đã hoàn thành tới 92% khối lượng nhưng vẫn còn "tồn" hơn 1.200 phương án, trong đó hơn một nửa là đất ở. Những trường hợp này cơ bản vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường, tái định cư và trả lời khiếu nại của công dân. Hiện, mới có 5/13 gói thầu hoàn thành; 8 gói thầu còn lại đang thi công, trong đó nhiều gói hoàn thành sát hạn chót với điều kiện tiến độ bàn giao mặt bằng phải trước tháng 1-2015.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án thoát nước giai đoạn II, mới đây UBND thành phố đã yêu cầu các quận, huyện có văn bản tổng hợp vướng mắc về chính sách đất đai, đơn giá bồi thường, gửi Ban Chỉ đạo GPMB thành phố hướng dẫn tháo gỡ. Riêng quỹ nhà tái định cư, một lần nữa thành phố yêu cầu Sở Xây dựng có trách nhiệm cung ứng; cố gắng dân ở quận nào bố trí tái định cư tại quận đó.

Một văn bản nữa cũng được UBND thành phố gửi các sở, ngành; theo đó, Sở Xây dựng đôn đốc Ban Quản lý dự án thoát nước và các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, vật tư thi công những khu vực đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Nếu các nhà thầu không tập trung thực hiện và không có sự chuyển biến, cơ quan quản lý và chủ đầu tư chủ động thay thế nhà thầu, thông báo tên các nhà thầu không đủ năng lực và đề nghị không chấp nhận tham gia đấu thầu các dự án khác trên địa bàn thành phố. Công ty Thoát nước, Ban Quản lý dự án chủ động phối hợp với nhà thầu thi công thanh thải dòng chảy, tháo dỡ vật cản, ưu tiên cho việc thoát nước khi có mưa lớn. Thanh tra Xây dựng, Công an thành phố kiểm tra, xử lý những đơn vị thi công không bảo đảm vệ sinh môi trường, cản trở giao thông.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng: Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội, Công ty Thoát nước Hà Nội, rút kinh nghiệm trận mưa ngày 17-7, làm ngay việc tiếp nhận, bàn giao hệ thống ở các khu đô thị mới nói chung và 16km cống ngầm, ga thu tại khu đô thị Cầu Giấy nói riêng về Công ty Thoát nước Hà Nội. Thực hiện ngay nạo vét, đấu nối để tăng cường hệ thống thoát nước cho khu vực phía Tây. Cùng với đó, thành phố bàn giao cho Công ty Thoát nước Hà Nội quản lý mực nước 85 hồ để thực hiện việc điều hòa thoát nước đô thị. Tất cả các hồ có nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là điều hòa thoát nước, nếu đơn vị nào cản trở việc hạ mực nước, Công ty Thoát nước báo cáo UBND thành phố xử lý.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự án thoát nước đợi mặt bằng: Phố vẫn thành “sông”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.