Tỉnh Đồng Nai nỗ lực bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân vùng dự án và mong người dân chia sẻ khó khăn, hợp tác trong giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Giải quyết tốt nhất cho người dân
Ngày 26-10, Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân thuộc diện di dời của Dự án đường cao tốc Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Mở đầu cuộc đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ, lãnh đạo tỉnh muốn nghe người dân có đất bị thu hồi phục vụ dự án phản ánh thực tế những khó khăn, vướng mắc; đền bù, giải phóng mặt bằng, chuyển về khu tái định cư, những bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân…
Báo cáo tại buổi đổi thoại, UBND tỉnh Đồng Nai thông tin, Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài gần 54 km, chia thành ba dự án thành phần. Dự án đi qua địa bàn thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành với chiều dài hơn 34 km (với hai dự án thành phần 1 và 2). Đồng Nai phải thu hồi diện tích đất hơn 289ha của hai địa phương trên với 3.400 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, có hơn 2.400 hộ dân thuộc diện bố trí tái định cư.
Tính đến ngày 14-10-2023, dự án thành phần 1 đã kiểm đếm được 80,32 ha/137,6 ha (đạt 58,37%) diện tích thu hồi. Dự án thành phần 2 đã kiểm đếm được 79,62 ha/151,58 ha (đạt 52,53%) diện tích thu hồi… Do khối lượng công việc, số hộ rất lớn nhưng nhân lực thực hiện công tác kiểm đếm của cấp xã, huyện còn hạn chế nên tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra.
Tại buổi đối thoại, hơn 250 hộ đại diện 3.000 hộ dân đặt câu hỏi với các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai như chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm khi chuyển đến nơi ở mới…
Ông Nguyễn Văn Quyết (ngụ phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa - nơi có dự án cao tốc đi qua) cho biết, khu vực phường Phước Tân có nhiều hộ ổn định cuộc sống từ năm 2004, Nhà nước lấy đất làm cao tốc dân ủng hộ nhưng mong giá bồi thường cho dân tương xứng…
Còn theo ông Bùi Thế Thuật (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa), khu vực phường Phước Tân có dự án đi qua có không ít hộ làm nhà trên đất nông nghiệp. Nhiều gia đình sống trên một thửa đất, đất giấy tay. Vậy chính quyền có xem xét để giúp những trường hợp này không, được tái định cư không?
Trả lời về các vấn đề này, Phó phụ trách Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Quế, thông tin: “Chúng tôi đang cố gắng công khai niêm yết giá đền bù, chi trả bồi thường cho dân trong tháng 12 năm nay. Chính quyền các cấp đang tiếp tục kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất ở các vị trí còn lại, đồng thời giải quyết đền bù đất, tài sản trên đất… sao cho hài hòa lợi ích của người dân và phù hợp các quy định pháp luật”.
Còn Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, UBND thành phố Biên Hòa xây dựng hai khu tái định cư (ở phường Phước Tân, phường Tam Phước) nhưng đang trong giai đoạn thẩm định quy hoạch xây dựng 1/500. Còn huyện Long Thành làm hai khu tái định cư (tại xã Long Đức và xã Long Phước) vẫn đang chờ nhận bàn giao mặt bằng để thi công. Cả bốn khu tái định cư dự án có khả năng không đáp ứng tiến độ di dời và bố trí tái định cư nên UBND tỉnh Đồng Nai đang xin Thủ tướng Chính phủ để bố trí khoảng 1.834 lô tái định cư Khu Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành) cho các hộ dân đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
“Trong trường hợp người dân chưa đồng thuận vào Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn thì cho bốc thăm tái định cư trên bản đồ quy hoạch được duyệt, đồng thời nghiên cứu thực hiện chính sách tạm cư cho các hộ dân trong thời gian chờ bố trí tái định cư…”, ông Võ Tấn Đức thông tin.
Phấn đấu giải quyết trong tháng 12-2023
Theo ông Võ Tấn Đức, hiện các ngành của tỉnh đang khẩn trương làm việc đơn vị tư vấn sớm hoàn chỉnh chứng thư thẩm định giá đất bồi thường. Đặc biệt, ông Võ Tấn Đức cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Các hộ dân đã có sự hy sinh lớn, nhường đất để triển khai dự án phục vụ cho sự phát triển của quốc gia, của tỉnh.
Kết luận cuộc đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, việc giao mặt bằng dự án, xây dựng khu tái định cư đã chậm nên trong thời gian tới tỉnh sẽ phải nỗ lực nhiều hơn, huy động nguồn lực kiểm đếm nhanh hơn và phải chính xác; xây dựng khung giá bồi thường cho dân tốt nhất và vận động nhân dân nhận tiền đền bù chậm nhất là cuối tháng 12-2023, rồi tiến hành bốc thăm tái định cư sau vì liên quan đến vấn đề giải ngân vốn.
Bí Thư tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương xây dựng các khu tái định cư, tạo điều kiện cho con em các hộ dân nhường đất làm dự án có chỗ học ổn định trong quá trình tạm cư…
“Đặc biệt, người dân kiến nghị, khiếu nại ra sao cần hướng dẫn, giải thích, tháo gỡ ngay để người dân hiểu. Kiểm soát, ngăn ngừa các vi phạm, tránh trục lợi, sai sót, tiêu cực trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuyên truyền vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng để thi công cao tốc. Cả hai địa phương phải làm song song mới thi công thông toàn tuyến được. Nếu Đồng Nai chậm, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ toàn tuyến”, Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.