Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia tại Hội thảo "Thu hút đầu tư xanh cho vùng Đông Nam Bộ" do Báo Người lao động tổ chức ngày 12-10, tại tỉnh Đồng Nai.
Phát biểu đề dẫn, Tổng Biên tập Báo Người lao động Tô Đình Tuân nhấn mạnh, hội thảo diễn ra trong bối cảnh Đông Nam Bộ đang là khu vực đang dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Toàn vùng đã và đang cùng với cả nước thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế về đưa phát thải ròng carbon về 0 vào năm 2050.
“Hội thảo này nhằm kết nối, tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo địa phương, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cùng trao đổi về định hướng thu hút đầu tư vào khu vực; nhận diện những khó khăn, vướng mắc, qua đó tìm ra giải pháp hiệu quả...”, ông Tô Đình Tuân nói.
Các ý kiến tham luận tại hội thảo đã làm rõ nhiều vấn đề về thu hút đầu tư xanh vào vùng Đông Nam Bộ. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng tất cả đều khẳng định đây là xu hướng tất yếu của thời đại.
Tại hội thảo, ông Đinh Ngọc Thuận, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) cho biết hiện Công ty đang đầu tư 11 khu công nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Từ 10 năm trước, Sonadezi đã định hướng tăng cường sử dụng năng lượng xanh (điện mặt trời) tại nhiều nhà xưởng; khuyến khích, thu hút nhà đầu tư, có chính sách về giá, vị trí cho nhà đầu tư có đầu tư xanh, như có công nghệ tiên tiến, sử dụng ít lao động, nước thải bảo đảm…
“Tuy nhiên, thu hút đầu tư xanh không dễ. Phần lớn doanh nghiệp đầu tư muốn thu hồi vốn nhanh trong khi đầu tư xanh tốn kém hơn. Ngoài ra, chúng ta chưa có chuẩn chung và còn có những ý kiến khác nhau về chỉ tiêu về đầu tư xanh, nên chưa thống nhất trong triển khai”, ông Đinh Ngọc Thuận nói.
Nói về vấn đề này từ một khía cạnh khác, ông Trần Việt Hà, Phó ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (Hepza), cho biết: “Thành phố Hồ Chí Minh đang giảm dần thu hút đầu tư sử dụng nhiều nguyên liệu, nhân lực sang thu hút đầu tư kinh tế tri thức, công nghệ cao, công nghệ số… phù hợp xu thế chung. Tuy nhiên, vẫn có các dự án trước nay bị coi là ô nhiễm, thâm dụng lao động, nhưng nay họ đầu tư công nghệ kiểm soát phát thải, giảm nhân công hoặc có nhà đầu tư cộng sinh để thu gom, xử lý rác thải, khí thải… thì cũng nên được coi là đầu tư xanh để ưu đãi và thu hút đầu tư”, ông Trần Việt Hà đề xuất.
Về tín dụng cho đầu tư xanh, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngành Ngân hàng đã có cơ chế áp dụng vốn vay trung và dài hạn cho tín dụng xanh. Khi doanh nghiệp có dự án xanh đủ tiêu chuẩn, sẽ được xét vay vốn với quy trình như dự án bình thường.
Nhiều ý kiến khác nhận định Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế quy định rất chi tiết về mô hình khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, để đáp ứng đủ các yêu cầu này trên thực tế rất khó, cần có cơ chế "cộng sinh" để các doanh nghiệp bù trừ tiêu chí, hình thành một khu công nghiệp sinh thái mẫu, từ đó nhân rộng.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định nếu Đông Nam Bộ tiếp tục đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng với định hướng xanh, sẽ góp phần giúp cả nước cùng chuyển đổi.
“Các địa phương vùng Đông Nam Bộ cần liên kết, phối hợp thực hiện tăng trưởng xanh. Cần một hội đồng vùng để thống nhất chỉ đạo thực hiện vấn đề này và nhiều vấn đề liên kết phát triển khác. Cần có một thể chế phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng xanh; cần tiêu chí chung về vấn đề này... Đây là những việc rất cần các ngành các cấp từ Trung ương xem xét, giải quyết, tháo gỡ để tạo nhận thức chung, từ đó có hành động chung” Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đề xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.