Tài chính

Đề xuất nâng hạn mức Mobile Money lên 100 triệu đồng

Hà Linh

Nâng hạn mức Mobile Money (dịch vụ tiền di động) lên 100 triệu đồng là điểm mới nhất và thu hút sự quan tâm của người dân nhất trong dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ tiền di động, mà Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến.

Mobile Money ngay từ khi được triển khai có mục đích là cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, nơi mà việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống còn hạn chế do hạ tầng giao thông, viễn thông và mạng lưới ngân hàng kém phát triển.

mobile-money-2.jpg
Nâng hạn mức Mobile Money để hấp dẫn người dùng. Ảnh minh họa

Thí điểm dịch vụ Mobile Money đã được triển khai theo Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Ngân hàng Nhà nước, sau gần 3 năm triển khai, dịch vụ đạt được kết quả khả quan, bảo đảm an toàn, góp phần vào việc phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, do vẫn ở giai đoạn thí điểm, chưa có hành lang pháp lý chính thức nên các tổ chức triển khai thận trọng, ảnh hưởng đến các quyết định tăng ngân sách đầu tư cho phát triển dịch vụ. Do đó cấp thiết phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để dịch vụ Mobile Money có thể đi vào hoạt động chính thức.

Trong dự thảo nghị định về dịch vụ tiền di động mà Ngân hàng Nhà nước đang xin ý kiến, khách hàng được sử dụng Mobile Money để thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài. Đây là một bước tiến mới, thể chế hóa chủ trương hội nhập kinh tế, tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch xuyên biên giới có giá trị nhỏ.

Đặc biệt, cơ quan quản lý đề xuất nâng hạn mức Mobile Money lên 100 triệu đồng. Bởi, hiện nay, thí điểm dịch vụ mới cho phép thực hiện không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile Money cho tổng các giao dịch: Rút tiền, chuyển tiền và thanh toán… không phù hợp với thu nhập và hoạt động kinh doanh của người dân hiện nay, nên không thu hút khách hàng.

Cũng theo dự thảo, hạn mức 100 triệu đồng không áp dụng đối với các giao dịch thanh toán dịch vụ thiết yếu như: Dịch vụ công, điện, nước, học phí, viện phí, bảo hiểm xã hội... (được cộng thêm hạn mức 100 triệu đồng/tháng cho các giao dịch thanh toán dịch vụ thiết yếu). Điều này tạo ra sự linh hoạt rất lớn, giúp tiền di động trở thành một công cụ thanh toán tiện lợi hơn cho các nhu cầu hằng ngày của người dân.

Dự thảo nghị định bổ sung quy định cho phép người dùng nạp tiền mặt, nhận tiền từ tài khoản thanh toán và ví điện tử, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của Mobile Money trên thị trường.

Liên quan đến vấn đề thủ tục hành chính, việc cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ tiền di động là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ, qua đó nhằm hạn chế rủi ro, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng khi sử dụng dịch vụ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất nâng hạn mức Mobile Money lên 100 triệu đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.