Hà Nội kết nối

Tìm hướng gỡ khó cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Chí Linh - An Tôn 11/10/2023 - 13:19

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nối hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu được kỳ vọng tạo động lực mới cho Đông Nam Bộ phát triển, thay thế quốc lộ 51 đang ùn tắc nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau gần 4 tháng khởi công, dự án đang gặp nhiều khó khăn.

a90a.jpg
Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (màu xanh).

Những kết quả trái ngược

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công ngày 18-6-2023. Toàn tuyến có chiều dài khoảng 53,7km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km (dự án thành phần 1 và 2); tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5km (dự án thành phần 3).

Đây là dự án quan trọng phục vụ Đông Nam Bộ phát triển nhằm giải quyết tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng đang xảy ra trên quốc lộ 51 do quá tải. Theo chủ trương của Chính phủ, dự án được hoàn thành cơ bản vào năm 2025 và khai thác đồng bộ từ năm 2026.

Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thông tin, tính đến đầu tháng 10-2023, tỉnh đã giải phóng mặt bằng được 126ha/137ha dự án thành phần 1 đoạn qua tỉnh, đạt tỷ lệ 92%. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã hoàn thành việc lựa chọn, ký hợp đồng với nhà thầu, chuẩn bị sẵn nguồn nguyên vật liệu, bảo đảm có thể triển khai thi công dự án liên tục.

a86.jpg
Phần dự án thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tốc độ giải phóng, bàn giao mặt bằng tốt.

Theo Giám đốc Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải Nguyễn Văn Trình, năm 2023, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được bố trí 1.018 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương; 440 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh và hơn 570 tỷ đồng (vốn ngân sách tỉnh kéo dài từ năm 2022); ứng vốn năm 2024 ngân sách tỉnh 494 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải ngân được 93% vốn bố trí năm 2023.

Trái ngược với tình hình trên, tiến độ triển khai phần dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rất chậm. Tính đến đầu tháng 10-2023, tỉnh này chưa thể bàn giao mặt bằng cho dự án thành phần 1 dài khoảng 16km. Với dự án thành phần 2 dài khoảng 18km (Bộ Giao thông - Vận tải triển khai), tỉnh Đồng Nai cũng mới chỉ bàn giao được bàn giao khoảng 12ha, đạt khoảng 7%.

a94a.jpg
Đồng Nai gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng cho dự án.

Theo Ban Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai (Ban Quản lý Đồng Nai), nguyên nhân giải phóng mặt bằng chậm chủ yếu do nhân lực cơ quan thực thi mỏng, chưa đáp ứng nhu cầu công việc; đơn giá bồi thường chưa được tỉnh phê duyệt. Dự án thành phần 1 có đoạn qua đất an ninh quốc phòng nên phải làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch…

“Ngoài ra, còn có nguyên nhân các diện tích đất cao su chưa thống nhất được giá đền bù và các khoản hỗ trợ khác. Các dự án tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trong dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được triển khai rất chậm, cụ thể mới chỉ có 1 trong 4 khu tái định cư được xây dựng…”, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đồng Nai Mai Phong Phú thông tin.

a88.jpg
Phần dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn vướng nhiều diện tích cao su chưa thống nhất được giá đền bù, hỗ trợ.

Tính chung toàn dự án, diện tích mặt bằng đã được thu hồi và bàn giao mới chỉ đạt 126/452ha đất, đạt hơn 27%, chủ yếu thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Có 4/5 gói thầu hoàn thành lựa chọn nhà thầu, gói thầu còn lại thuộc dự án thành phần 1 dự kiến sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu trong tháng 10.

Tìm hướng gỡ khó

Tại Đồng Nai, đơn vị thi công dự án thành phần 2 đang tranh thủ diện tích mặt bằng nhỏ hẹp mới được bàn giao (12ha) để xây dựng lán trại, dọn dẹp mặt bằng, san lấp hữu cơ và thi công 2 bãi đúc dầm tại vị trí nút giao Long Thành và Tân Hiệp, thi công hạng mục cọc khoan nhồi cầu Đá Vàng…

a92a.jpg
Đơn vị thi công dự án thành phần 2 của dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tập kết thiết bị, chờ mặt bằng để triển khai dự án.

Ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư dự án thành phần 2 thông tin) các phần việc trên được thực hiện một cách cầm chừng vì chưa có đủ mặt bằng để triển khai đồng bộ máy móc, nhân lực. Đơn vị thi công thậm chí còn phải tranh thủ từng diện tích đất đã được bàn giao để thi công một phần hầm chui và những việc khác có thể làm.

Đáng lo ngại hơn là với tốc độ giải phóng mặt bằng như bây giờ, tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan đến triển khai các dự án thành phần 1 và 2 của dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ không kịp giải ngân vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, bởi thời hạn cho phép chỉ gói gọn trong năm 2023.

Cụ thể, dự án thành phần 1 có 2,5 nghìn tỷ đồng từ chương trình này (trong tổng vốn 2,6 nghìn tỷ đồng), nhưng mới chỉ giải ngân được 28 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 có 1,2 nghìn tỷ đồng từ chương trình, nhưng mới giải ngân được gần 120 tỷ đồng.

a91.jpg
Đoàn công tác của Trung ương và tỉnh Đồng Nai kiểm tra thực tế, gỡ vướng và đốc thúc tiến độ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại tỉnh Đồng Nai.

UBND tỉnh Đồng Nai thông tin, trước những khó khăn rất lớn nêu trên, địa phương đang nỗ lực khắc phục, ưu tiên làm trước các vấn đề cốt lõi. Đơn cử như xác định giá đền bù giải phóng mặt bằng, địa phương đã cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện chứng thư thẩm định giá đất, dự kiến phê duyệt giá đất, phương án bồi thường trong tháng 10-2023.

Ngoài khu tái định cư Long Đức đang được xây dựng, tỉnh đã đề xuất Trung ương cho phép bố trí các hộ dân vùng giải tỏa dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào các khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (vốn dành cho bố trí tái định cư dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành)…

a93.jpg
Quốc lộ 51 đang quá tải trầm trọng, chờ được cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu "giải cứu".

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức thông tin: “Tỉnh cũng đang khẩn trương làm việc với các bên liên quan, sớm thống nhất phần hỗ trợ thu hồi diện tích đất cao su đang do Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý phục vụ thi công dự án; bàn giao toàn bộ diện tích mặt bằng cho bên thi công trong năm 2023. UBND tỉnh cũng đang đôn đốc các sở, ngành, địa phương phấn đấu giải ngân hết số vốn cấp từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2023 theo đúng quy định”.

Do căn cứ xác định giá đất thay đổi, nên theo tính toán mới nhất của tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, chi phí giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ tăng khoảng 3.600 tỷ đồng so với dự toán đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 59/2022 (dự án thành phần 1 tăng khoảng 1.195 tỷ đồng, dự án thành phần 2 tăng khoảng 1.489 tỷ đồng, dự án thành phần 3 tăng 990 tỷ đồng).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm hướng gỡ khó cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.