(HNM) - Giai đoạn 2015-2020, với những giải pháp đột phá và quyết liệt về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, “bức tranh” giao thông Thủ đô đã có thêm “gam màu” tươi mới, góp phần quan trọng trong việc đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn tiếp tục được xác định là một trong 3 khâu đột phá song đã được nâng tầm hơn, xứng đáng với tầm vóc và vị thế Thủ đô.
Tiếp tục là khâu đột phá
Trước năm 2015, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhỏ hẹp, trong khi tuyến đường Phạm Văn Đồng nối sân bay vào nội đô luôn trong tình trạng ùn tắc. Nhưng từ năm 2015, khi cụm công trình cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp và nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khánh thành, diện mạo Thủ đô đã có những đổi thay to lớn. Cảng hàng không quốc tế Nội Bài 5 năm liên tiếp nằm trong “Tốp 100 sân bay tốt nhất thế giới”; Đại lộ Võ Nguyên Giáp kết nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân trở thành cửa ngõ đẹp nhất Thủ đô, tạo ấn tượng với du khách ngay khi đặt chân đến Hà Nội.
Đó chỉ là một trong rất nhiều những “gam màu” sáng trong “bức tranh” giao thông Thủ đô đang từng bước được hoàn thiện theo hướng ngày càng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Nhờ giao thông, những vùng đất ven đô hoang vắng trước đây đã chuyển mình mạnh mẽ, với hàng loạt khu đô thị mới thành hình, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân. Không chỉ là những cây cầu vượt sông, cầu vượt nhẹ kết cấu thép tại các nút giao, các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm…, thành phố còn quan tâm đầu tư phát triển giao thông nông thôn, như các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, cải tạo các cầu yếu tại các huyện còn khó khăn.
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Hà cho biết, trong những năm qua, ngân sách của thành phố đã dành khoảng 7.000 tỷ đồng/năm để xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường, trong đó ưu tiên bố trí khoảng 2.500 tỷ đồng/năm đầu tư giao thông khu vực ngoại thành (chiếm khoảng 35% tổng kinh phí), qua đó đã tác động quan trọng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.
Cũng trong 5 năm qua, nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện các dự án, diện tích đất dành cho giao thông đã tăng dần từng năm. Nếu như năm 2015, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 8,65% thì đến nay đạt khoảng 9,38% và đến cuối năm 2020 ước đạt 10,05%. Ùn tắc giao thông tại các khu vực nội đô, cửa ngõ thành phố từ 41 điểm năm 2015 nay đã giảm còn hơn 30 điểm.
Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được xác định là một trong 3 khâu đột phá, song đã được nâng tầm với những mục tiêu và nhiệm vụ lớn hơn. Nếu như ở nhiệm kỳ trước, kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn được xác định là phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hóa thì ở nhiệm kỳ 2020-2025 được khẳng định rõ: Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô; tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô…
Định hướng này phù hợp với vị thế của Thủ đô đang đòi hỏi các yêu cầu cao hơn và đúng với mong mỏi của mỗi người dân Thủ đô. Nhưng điều đó cũng đặt ra cho các cấp, ngành những nhiệm vụ nặng nề hơn.
Đề xuất nhiều giải pháp
Theo đánh giá của đại diện Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, Thủ đô hiện chưa có tuyến vành đai nào được đầu tư hoàn chỉnh; các cầu vượt sông còn thiếu so với nhu cầu; đặc biệt, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung chưa được đầu tư đồng bộ nên việc kết nối giữa đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh (gồm Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Phú Xuyên và Sóc Sơn) cũng như kết nối Hà Nội với các địa phương trong Vùng Thủ đô còn hạn chế…
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, trong những năm tới, thành phố sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh và kết nối Thủ đô với các địa phương trong Vùng Thủ đô. Đó là các tuyến đường hướng tâm và các đường Vành đai 3,5, Vành đai 4, Vành đai 5; các cầu Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở, Ngọc Hồi, cầu Đuống 2…; đầu tư các nút giao thông trọng điểm giao cắt giữa đường hướng tâm và đường vành đai…
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ tập trung hoàn thành đầu tư mạng lưới giao thông của 5 huyện theo đề án lên quận; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội); phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm các tuyến đường sắt đô thị khác...
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Hà, nhiều giải pháp được đề xuất, trong đó huy động nguồn lực đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng. Nguồn lực phải được sử dụng hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên, gắn với phát huy các tiềm lực về đất đai, con người, văn hóa và điều kiện tự nhiên… của những khu vực đã được đầu tư, tạo nên giá trị, nguồn lực mới để tái đầu tư các công trình giao thông khác.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế đầu tư và hình thức đầu tư TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) để khai thác quỹ đất tại các nhà ga đường sắt đô thị, tạo nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cũng như quản lý, vận hành sau này. Thành phố tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục, cơ chế, chính sách để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định; tăng cường kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn đầu tư...
Với “bức tranh” giao thông như hiện nay và những nhiệm vụ mới, cách làm mới trong nhiệm kỳ này, Hà Nội hoàn toàn có thể hy vọng về một hệ thống giao thông hiện đại trong tương lai, giải quyết tối đa các vấn đề tồn tại của đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.