Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đột phá trong hợp tác quân sự

Đình Hiệp| 23/12/2015 06:37

(HNM) - Sau hơn 5 tháng kể từ chuyến thăm Nga trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội nghị Cấp cao Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Hội nghị Cấp cao Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) tại thành phố Ufa của Nga, hôm nay (23-12) Thủ tướng Narendra Modi sẽ tiếp tục thực hiện chuyến công du Nga trong hai ngày.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400.


Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ tới Nga trong nhiều thập kỷ qua.

Chuyến công du Nga của Thủ tướng N.Modi diễn ra chỉ chưa đầy một tuần sau khi Ủy ban mua sắm của Bộ Quốc phòng Ấn Độ phê duyệt kế hoạch mua 5 hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400, trị giá khoảng 6 tỷ USD của Nga để trang bị cho lực lượng không quân nước này. Đi cùng với 5 hệ thống tên lửa này là hơn 6.000 quả tên lửa đất đối không.

Sự kiện Ủy ban mua sắm của Bộ Quốc phòng Ấn Độ đồng thuận mua các tổ hợp S-400 của Nga là một kế hoạch "đột xuất", không nằm trong "lộ trình" mua sắm của quốc gia khu vực Nam Á này, bởi chỉ được quyết định trước chuyến thăm chính thức Nga của Thủ tướng N.Modi.

Quyết định quyết đoán mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga đã kết thúc lịch sử hơn 20 năm theo dõi, lựa chọn tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa của lực lượng phòng không của Ấn Độ. Trước đó, quốc gia này từng theo đuổi một chương trình đầy tham vọng và kéo dài khi hợp tác với Israel phát triển tên lửa AAMS Barak 8. Thế nhưng, kết quả cuối cùng dường như không như mong đợi của

Ấn Độ. Trong khi đó, Nga từ lâu đã đề nghị Ấn Độ mua các hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU1 và S-300PMU2, thậm trí còn bắn thử nghiệm S-300MPU1 để "chào hàng" Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Nhưng, tất cả những đề nghị từ Mátxcơva đã bị New Delhi từ chối. Như vậy, trong trường hợp hợp đồng quân sự này được ký kết, Ấn Độ sẽ trở thành nước thứ hai, sau Trung Quốc, sở hữu hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

Các thỏa thuận mua các lò phản ứng hạt nhân và trực thăng quân sự của Nga trị giá lên tới hàng tỷ USD cũng được đặt ra trong chuyến công du lần này của Thủ tướng N.Modi, trong bối cảnh phương Tây chậm trễ thực hiện các cam kết chuyển giao công nghệ cho Ấn Độ. Các nguồn tin trước chuyến thăm cho biết, hai bên sẽ bàn thảo việc liên doanh chế tạo 200 máy bay trực thăng Kamov-226T của Nga. Đây được xem là bước tiến lớn đầu tiên trong chiến lược của Thủ tướng N.Modi nhằm xây dựng nền tảng công nghiệp quân sự để giảm nhập khẩu vũ khí quân sự. Theo Công ty Xuất khẩu vũ khí thuộc sở hữu nhà nước Nga, trong số 200 trực thăng, Ấn Độ sẽ sản xuất 140 chiếc còn Nga sản xuất 60 chiếc.

Dự kiến trong chuyến thăm, Thủ tướng N.Modi cũng đem đến một hợp đồng cho phép Nga xây thêm 6 lò phản ứng hạt nhân có công suất 1.200 MW/lò tại bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ, ngoài 6 lò phản ứng do Nga đang thi công ở bang Tamil Nadu. Quyết định xoay trục hướng về Mátxcơva của New Delhi được thực hiện đúng lúc Hãng General Electric (Mỹ) và Westinghouse - một nhánh của Tập đoàn Toshiba (Nhật Bản) có trụ sở tại Mỹ - đang lưỡng lự trong chiến lược thâm nhập vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Ấn Độ vì luật pháp nước này quy định nhà cung cấp lò phản ứng phải chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp xảy ra sự cố.

Thực tế cho thấy, Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga. Vũ khí của Nga và Liên Xô trước đây chiếm tới 70% kho vũ khí của Ấn Độ. Thế nhưng, những năm gần đây Nga - vốn duy trì mối quan hệ thân thiết với Ấn Độ kể từ sau Chiến tranh lạnh - lại "tụt hậu" trước Mỹ và Israel khi kiếm được ít đơn đặt hàng từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Vì thế, những động thái trước chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ được dự báo sẽ tạo ra đột phá trong hợp tác quân sự giữa hai bên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đột phá trong hợp tác quân sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.