Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đột phá để đổi mới giáo dục đại học

Quỳnh Phạm| 20/10/2010 07:49

(HNM) - Để đào tạo chất lượng cao theo Chương trình tiên tiến (CTTT), các trường cần có một nền tảng chung chuẩn, nếu không, dù nhập khẩu cả CTTT về cũng có thể bị cái cũ

Giờ học trên máy của sinh viên ngành địa lý hệ cử nhân khoa học tài năng tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên.  Ảnh: Bích Ngọc


Ngành không "hot" vẫn khó tuyển sinh

CTTT là các chương trình đào tạo có chất lượng hiện đang được áp dụng giảng dạy ở những trường ĐH có uy tín trên thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển. CTTT được "nhập khẩu" để đào tạo tại các trường ĐH của nước ta không chỉ là nội dung, giáo trình, tài liệu mà còn bao gồm cả yêu cầu về đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy - học tập và được đào tạo bằng tiếng Anh.

Theo Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga, đề án được triển khai thí điểm từ năm 2006 và đến nay đã có 23 trường ĐH trong cả nước hợp tác với 22 trường ĐH trên thế giới (hầu hết nằm trong top 200 theo bảng xếp hạng của US News) để thực hiện 35 CTTT. Hiện tổng số SV theo học 2 khóa đầu của CTTT là 2.130 em. Kết quả học tập của SV cho thấy chất lượng đào tạo CTTT đã được nâng lên, gần như 100% số SV tốt nghiệp có việc làm, được các cơ quan sử dụng đánh giá tốt. Theo kết quả tự đánh giá của các trường đào tạo theo CTTT và đánh giá xếp hạng của Bộ GD-ĐT, Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội) là đơn vị dẫn đầu trong việc triển khai đào tạo theo CTTT.

Tuy nhiên, với chính Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội), việc tuyển sinh vẫn là một vấn đề khó khăn. Theo Hiệu trưởng Bùi Duy Cam, một phần là do việc tuyên truyền, quảng bá chưa tốt, một phần SV cho rằng đây là ngành không hấp dẫn, khi ra trường khó kiếm việc làm.

Một số ý kiến e ngại học phí ở mức cao của CTTT là trở ngại lớn cho tuyển sinh. Song theo Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Cảnh Lương: Khó tuyển hay dễ tuyển là do ngành chứ không phải do học phí. Ông Lương lấy ví dụ: CTTT của ngành khoa học vật liệu có học phí chỉ bằng mức đại trà nhưng vẫn vắng SV trong khi ngành điện - điện tử, dù được công bố trước mức học phí cao gấp 3 lần song vẫn có rất đông SV.

"Sống" tốt để làm "đầu tàu"

Kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho chương trình còn hạn chế, theo chế độ bình quân nên một số trường đào tạo theo CTTT khối ngành kỹ thuật, công nghệ gặp nhiều khó khăn. Theo Vụ trưởng Vụ GD ĐH Trần Thị Hà: Có nhiều CTTT được các trường triển khai rất dễ tuyển sinh, thu được nhiều tiền, song đó không phải là mục đích chính của CTTT. Các khối ngành chưa có sức hút với sinh viên như kỹ thuật, công nghệ, khoa học cơ bản, nông - lâm… rất cần phải được tập trung đầu tư. Bộ GD-ĐT sẽ có các chính sách hỗ trợ cho các khối ngành này. Tuy nhiên, bà Hà cũng nêu ra một thực tế: chương trình khoa học cơ bản của ĐH KHTN, học phí thấp nhất (1,8 triệu đồng/năm) nhưng được Bộ đánh giá là triển khai tốt nhất. Như vậy, vấn đề quan trọng là cách tổ chức triển khai.

Một trong những hạn chế dễ thấy khác ở các CTTT là đội ngũ giảng viên Việt Nam giảng dạy các môn khoa học cơ bản, cơ sở bằng tiếng Anh còn thiếu và yếu. Việc mời giảng viên nước ngoài tham gia không dễ, phần do kinh phí hạn hẹp, phần do khó khăn về thời gian, các môn học vì thế thường bị động. Hiện, số lượng giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy CTTT khóa tuyển sinh 2006 chỉ đạt trên 50% so với kế hoạch của các trường. Nhiều trường chỉ mời được 30-40% giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thẳng thắn bay tỏ quan điểm: Bước đầu, khi CTTT còn non yếu, vừa làm, vừa học thì cần có cơ chế đỡ đầu, quan tâm đặc biệt, đầu tư thích đáng. Nhưng cũng vì là CTTT nên về lâu dài chương trình phải "sống" được một cách tự chủ độc lập để trở thành "đầu tàu" kéo những toa tàu khác. Ông cũng nhấn mạnh: Mục tiêu quan trọng của CTTT là tạo điều kiện xây dựng và phát triển một số ngành đào tạo, khoa, trường ĐH mạnh, đạt chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng cũng như triển khai việc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam.

Để có câu trả lời rõ hơn về kết quả của các CTTT, Vụ trưởng Trần Thị Hà cho biết thêm, năm nay 10 CTTT khóa đầu tiên sẽ kết thúc và sẽ được tiến hành đánh giá bởi Mạng lưới chất lượng châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với đánh giá kết quả, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, cần phải đánh giá cả hiệu quả kinh tế và xã hội, trong và ngoài ngành. Trên cơ sở đánh giá kết quả và hiệu quả, quan điểm của Bộ GD-ĐT là sẽ phải nhân rộng để CTTT không phải là hiện tượng cá biệt. Mà muốn được như thế phải tạo được sự đồng hướng về lợi ích của cả sinh viên, giáo viên, nhà trường và xã hội. Đây là bài toán phải được giải trong thời gian tới để CTTT có thể trở thành "đầu tàu" đủ mã lực kéo theo "con tàu" GDĐH như mục tiêu đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đột phá để đổi mới giáo dục đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.