Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động thái nhiều kỳ vọng

Đinh Thái Sơn| 06/01/2012 07:26

(HNM) - Bộ GD-ĐT vừa tạo nên một chấn động lớn khi quyết định đình chỉ tuyển sinh 3 trường ĐH và 12 ngành học, đồng thời không công nhận bằng cấp của một số cơ sở đào tạo trái phép.


Các quyết định được xem như để chấn chỉnh chất lượng đào tạo và là động thái quyết liệt đầu tiên của Bộ sau khi có rất nhiều ý kiến về chuyện mở trường, mở ngành tràn lan.

Theo thống kê, từ năm 1998 đến 2009, có 307 trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoặc nâng cấp (chưa tính các trường sĩ quan quân đội, công an, các trường ĐH, CĐ thành viên, khoa trực thuộc, phân hiệu của các ĐH). Đến hết năm 2009, cả nước có 409 trường ĐH, CĐ trong đó có 76 trường ngoài công lập. Năm 2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cảnh báo quy mô đào tạo đang trong tình trạng mất cân đối: ĐH chiếm 72,3%, CĐ chỉ chiếm 27,7%. Tuy vậy, xu hướng nâng cấp trường ĐH từ CĐ vẫn không ngừng tăng. Đến nay 62/63 tỉnh, thành có ít nhất một trường ĐH hoặc CĐ (duy nhất Đắc Nông chưa có trường ĐH, CĐ). Riêng hai năm 2010-2011 đã có khoảng 20 trường ĐH được thành lập trên cơ sở nâng cấp các trường CĐ hoặc thành lập mới và nhiều trường ĐH đang trong quá trình xem xét cho thành lập.

Việc các trường ĐH mọc lên như nấm nhưng thiếu chất lượng đã được dư luận cảnh báo từ lâu. Trong khi quy mô đào tạo ở tất cả các bậc học và hệ đào tạo tăng nhanh thì các điều kiện cơ bản như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, giáo trình cơ bản... để bảo đảm chất lượng đào tạo lại không theo kịp. Nhiều trường mới thành lập nhưng đã tuyển sinh với quy mô lớn vượt xa năng lực đào tạo. Nhiều trường, có tên, có địa chỉ nhưng giáo viên phải đi "vay", phòng học phải đi mượn, sinh viên phải "sang nhượng". Rõ ràng đây là điều thật sự bất thường. Có lẽ ít ở đâu như Việt Nam đang tồn tại thực tế, các trường ĐH tiếp thị mời chào học sinh như các hãng mời chào bán sản phẩm. Cũng tiếp thị qua điện thoại, qua tờ rơi, người môi giới, giới thiệu được hưởng hoa hồng, sinh viên đăng ký sẽ được khuyến mãi, thưởng tiền... Khi đầu vào đại học quá dễ, cứ vào "tất yếu đến hẹn lại ra" với tỷ lệ bằng khá giỏi nhiều, nên nhiều người cho rằng nhiều tấm bằng ĐH cứ như là hàng giả, hàng nhái.

Dễ thành lập, dễ tuyển sinh nên cũng dễ kém chất lượng. Mới kiểm tra 24 trường thôi đã đình chỉ 3 trường. Và đó cũng mới là những trường hợp bị đình chỉ, còn thực tế nếu kiểm tra gần 400 trường còn lại có lẽ sẽ còn nhiều trường lộ khiếm khuyết. Chẳng hạn theo quy định khi lập ngành thì phải có ít nhất 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ. Nhưng sau kiểm tra lại có đến 41 ngành không có tiến sĩ, 12 ngành không có tiến sĩ lẫn thạc sĩ.

Thực ra, chuyện thành lập hay giải thể các trường ĐH cũng không có gì lạ trên thế giới. Và chính sự không lạ đó đang diễn ra ở nước nhà cho thấy quyết định của ngành giáo dục quả thực là một sự dũng cảm, và dư luận kỳ vọng đây sẽ là bước chuyển mình quan trọng của giáo dục Việt Nam. Các trường được phép mở ngành ồ ạt mà không có sự kiểm tra thực tế các điều kiện mở ngành có đáp ứng hay không, tức là cho thành lập trường chưa kịp kiểm tra nên hậu quả mang lại khá nặng nề, và việc hậu kiểm lúc này là vô cùng cần thiết. Song, đây cũng mới chỉ là những bước nhấn đầu tiên của Bộ GD-ĐT. Kiên quyết dẹp bỏ trường không đáp ứng tiêu chuẩn, không bảo đảm chất lượng, nhưng các nhà quản lý giáo dục cũng cần phải rà soát lại quy trình, quy chế có thể kiểm soát một cách tốt nhất việc hình thành cũng như hoạt động của các trường ĐH. Có bột mới gột nên hồ. Giáo dục là đào tạo con người, là tạo ra sản phẩm trí thức. Một khi nó còn tồn tại "hàng giả", "hàng nhái" thì khi ấy xã hội, đất nước sẽ còn phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Động thái nhiều kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.