Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động đất kinh hoàng ở Nepal: Thảm họa được dự báo

Phương Chi| 28/04/2015 07:11

(HNM) - 3 ngày sau trận động đất kinh hoàng nhất ở Nepal trong vòng 81 năm qua, con số nạn nhân tiếp tục tăng lên chóng mặt.



Trong đó, ít nhất 1.100 người thiệt mạng tại thủ đô Kathmandu, thành phố có khoảng 1 triệu dân. Động đất cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quốc gia khác trong khu vực. Ấn Độ đến nay ghi nhận 66 nạn nhân thiệt mạng, Trung Quốc có 18 người chết và 4 người Bangladesh.

Một người may mắn được cứu ra khỏi đống đổ nát ở thủ đô Kathmandu.


Hiện tại, lực lượng cứu hộ và người dân Nepal vẫn tiếp tục đẩy nhanh công tác tìm kiếm các nạn nhân còn bị vùi lấp trong đống đổ nát. Tuy nhiên, nỗ lực tìm kiếm và cứu chữa nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn bởi trang thiết bị hạn chế. Nhiều nhân viên cứu hộ cho biết, họ phải đào xới đất bằng tay và đã rất mệt mỏi, kiệt sức vì phải thức thâu đêm. Bên cạnh đó, mưa lớn và chớp giật cũng ảnh hưởng tới tiến độ cứu hộ, cứu nạn. Tình hình thời tiết xấu được dự báo còn tiếp diễn. Trong khi đó, các bệnh viện đều đã quá tải. Chính quyền buộc phải lập ra nhiều khu vực khám chữa lưu động ngoài trời để tiếp nhận nạn nhân. Nhìn chung, những gì còn lại là một thảm cảnh đối với Nepal khi hàng triệu người bỗng dưng trở thành vô gia cư, nhiều em nhỏ mồ côi cả bố lẫn mẹ.

Trước những thiệt hại quá lớn mà Nepal phải hứng chịu, hiện tại, các nước trên thế giới đang tăng cường nỗ lực trợ giúp Nepal khắc phục hậu quả thảm khốc. Ngày 27-4, Mỹ thông báo 70 nhân viên cứu trợ Mỹ mang theo 45 tấn hàng hóa, chủ yếu là thiết bị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, đã lên đường tới Nepal bằng máy bay vận tải quân sự. Ngoài ra, trong vài ngày tới, Mỹ sẽ gửi thêm nguyên vật liệu khẩn cấp phục vụ các cơ sở trú ẩn của người dân Nepal sau thiên tai. Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cùng ngày cho biết hai máy bay Nga chở đội cứu hộ gồm hơn 90 chuyên gia, cùng thiết bị và hàng hóa cứu trợ đã đến Nepal. Các nước Anh, Pháp, Đức, Phần Lan, Bỉ, Luxembourg, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Algeria, Singapore, Israel đều đã cử lực lượng cứu hộ giúp Nepal khắc phục hậu quả của trận động đất lịch sử. Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đang triển khai bệnh viện dã chiến ở Nepal với 60-80 giường bệnh. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hiện đã sẵn sàng cử nhóm chuyên gia đến Nepal giúp chính phủ nước này đánh giá các tác động của trận động đất đến tình hình kinh tế và xác định các nhu cầu tài chính. Ủy ban Châu Âu (EC) đã giải ngân khoản cứu trợ khẩn cấp trị giá 3 triệu euro cho Nepal.

Theo các nhà khoa học, động đất ở Nepal là không thể tránh khỏi bởi nơi đây các hoạt động kiến tạo địa tầng địa chất diễn ra mạnh mẽ. Từ hơn 25 triệu năm trước, Ấn Độ, từng là một đảo riêng biệt trên Ấn Độ Dương, đã có xu hướng va chạm với mảng lục địa Châu Á. Tốc độ va chạm giữa hai mảng lục địa hiện ở mức khoảng 4cm mỗi năm. Tiến trình này tạo nên dãy núi hùng vĩ nhất thế giới Himalaya, nhưng đi kèm với nó là cả những trận động đất có sức mạnh kinh hoàng. Chuyên gia đã cảnh báo với những người dân sống ở thung lũng Kathmandu về nguy cơ động đất suốt nhiều thập kỷ. Vì thế, trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra hôm 25-4 vừa qua tại Nepal khiến hàng nghìn người thiệt mạng được coi là một thảm họa "có thể biết trước". Nó đã kéo thủ đô Kathmandu trượt 3m về phía nam.

Kathmandu không phải là nơi duy nhất mà các nhà khoa học dự đoán sẽ xảy ra những trận động đất cường độ lớn. Các nhà khoa học nhận định một số nơi khác trên thế giới như Tehran, Haiti, Lima, Peru và Padang, Indonesia, là những nơi dễ xảy ra các trận động đất tương tự. Tại những địa điểm này, các đứt gãy kiến tạo rất phức tạp. Thêm vào đó, tiêu chuẩn an toàn xây dựng thấp cùng công tác chuẩn bị đối phó với thảm họa còn yếu kém là nguyên nhân khiến thiệt hại có thể gia tăng nếu động đất xảy ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Động đất kinh hoàng ở Nepal: Thảm họa được dự báo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.