(HNM) - Lập lại trật tự đô thị là việc của không riêng địa phương nào và chiếm dụng vỉa hè, lòng đường là tồn tại chung của hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam. Vấn đề này đã được bàn thảo rất nhiều, nhưng thực sự là một bài toán khó.
Gần đây nhất, Hà Nội và Hồ Chí Minh là hai thành phố quyết liệt thực hiện chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường cho người đi bộ trên diện rộng với kế hoạch khá bài bản, dài hơi… Hiệu quả là khá rõ rệt, nhưng chưa hoàn toàn như mong muốn.
Về cơ bản, việc chiếm dụng vỉa hè, lòng đường liên tục tái diễn bởi lợi ích cho rất nhiều đối tượng. Trong tâm thức nhiều người, vỉa hè là miếng mồi béo bở cho một bộ phận người dân mưu sinh, làm giàu, và một số người có trách nhiệm quản lý thu lợi cho riêng mình… Trong khi đó, việc quản lý nhà nước ở lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, nhân lực mỏng, dàn trải… nên không đủ sức ngăn chặn vi phạm phát sinh. Cũng vì thế, mỗi khi có chiến dịch ra quân, vi phạm tạm thời lắng xuống; khi hết "chiến dịch", vi phạm lại tái diễn.
Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã sử dụng nhiều giải pháp với sự quyết liệt, mềm dẻo, linh hoạt…, nhưng cho đến nay vỉa hè vẫn lộn xộn, ảnh hưởng đến văn minh đô thị và an toàn giao thông. Trong số những giải pháp để khắc phục tình trạng này, mới đây đề xuất “phạt nguội” hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Vũ Văn Viện đã thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận.
Đây là đề xuất hay. Hay bởi tính cơ động, linh hoạt, tiết kiệm chi phí, nhân lực, có thể xử lý được nhiều vi phạm và có phần triệt để. Mặt khác, giải pháp này dựa trên căn cứ pháp lý là Nghị định 165/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ, quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Hơn thế, cách làm này cũng phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ quản lý đô thị…
Song dù hay, tiện lợi, nhưng đây chỉ là phương tiện hỗ trợ con người. Do vậy, để bảo đảm hoạt động này có hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó đặc biệt chú trọng tính khả thi khi triển khai.
Theo đó, nếu đề xuất “phạt nguội” được Hà Nội áp dụng thì phải có phương án giải quyết cụ thể với những người bán hàng rong, những trường hợp không rõ địa chỉ. Bên cạnh đó, phải ngăn chặn được sự thỏa thuận "ngầm" giữa những người thực thi nhiệm vụ với người vi phạm vì camera được sử dụng di động nên khó tránh khỏi tiêu cực. Cùng với việc “phạt nguội”, nhất định phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu theo sự phân cấp quản lý hè, đường; quyền và trách nhiệm của lực lượng chính quyền, công an các cấp cần được phân định cụ thể. Khi đã có công cụ “phạt nguội” trong tay, nếu người thực thi nhiệm vụ vẫn không làm tròn bổn phận, thì phải bị xử lý nghiêm khắc.
Ngoài ra, thay vì những cuộc ra quân rầm rộ, chúng ta hãy bắt đầu từ cơ sở. Cơ sở là cấp hiểu rõ và nắm chắc về hạ tầng, biết rõ thực trạng mỗi khu dân cư, mỗi con ngõ, tuyến phố… Trên cơ sở đó, huy động tuyên truyền, sự giám sát của các đoàn thể, tổ dân phố; phong trào thi đua ở khu dân cư gắn với kết quả này… để người dân nhận thức rõ việc cần thiết bảo vệ mỹ quan của thành phố, qua đó lên tiếng và đấu tranh với các vi phạm về trật tự đô thị. Về lâu dài, các cấp, các ngành tăng cường tạo việc làm cho người lao động; xóa chợ “cóc”, chợ tạm; đưa ra những hình thức kinh doanh phù hợp cho người dân.
Khi các biện pháp được thực hiện đồng bộ, hình thức “phạt nguội” sẽ góp phần mang lại hiệu quả cao hơn, trật tự đô thị sẽ vào nền nếp, mang tính bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.