Các quận của Hà Nội đang thiếu trầm trọng bãi đỗ xe tĩnh, trong khi lượng phương tiện (chủ yếu là ô tô) ngày càng tăng, nhu cầu gửi xe của người dân ngày càng lớn... đã dẫn đến tình trạng người dân đỗ xe tràn lan trên vỉa hè, dưới lòng đường gây cản trở, mất an toàn giao thông.
Đáng nói, các quy định về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè, xử phạt hành vi đỗ xe trên vỉa hè, lòng đường vẫn chưa có sự thống nhất khiến việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Vỉa hè, lòng đường thành bãi đỗ xe
Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại một số tuyến đường, phố thuộc các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai cho thấy, tình trạng người dân đỗ xe ô tô trên vỉa hè, lòng đường diễn ra khá nhiều. Không chỉ các tuyến đường, vỉa hè có mặt cắt rộng bị chiếm dụng để đỗ xe mà nhiều đoạn vỉa hè hẹp cũng trở thành bãi đỗ xe ô tô lấn hết lối đi của người đi bộ. Đặc biệt, các tuyến ngõ, phố trong các khu đô thị, hay khu vực trước các tòa chung cư, tòa nhà thương mại kết hợp văn phòng… thì tình trạng vi phạm còn phổ biến hơn.
Ví dụ, vỉa hè phố Đỗ Quang, quận Cầu Giấy (đoạn giáp Trường Đại học Lao động - Xã hội) rất hẹp nhưng hằng ngày vẫn có nhiều xe ô tô đỗ, chiếm trọn vỉa hè. Gần đó, vỉa hè và lòng đường ngõ 30 phố Nguyễn Thị Định cũng thường xuyên bị hàng chục chiếc ô tô đỗ chềnh ềnh, cản trở giao thông nghiêm trọng. Vỉa hè, lòng đường phố Nguyễn Xuân Linh, Hoàng Ngân cùng thuộc quận Cầu Giấy cũng luôn chật kín xe ô tô đỗ từ sáng đến chiều muộn.
Tương tự, tại các tuyến phố như: Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng, Ô Chợ Dừa, Lê Trọng Tấn, Lê Văn Lương, Hoàng Cầu… tình trạng ô tô đỗ trên vỉa hè, lòng đường cũng diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là khu vực có trụ sở của các cơ quan, doanh nghiệp lớn. Nhiều người coi vỉa hè là chỗ đỗ xe cố định, phủ bạt che kín xe từ sáng sớm đến chiều tối.
Anh Nguyễn Thế Hải (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết: “Không chỉ chiếm hết vỉa hè của người đi bộ, tình trạng đỗ xe ô tô tràn lan chiếm hết vỉa hè còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khi người đi bộ phải len lỏi qua các hàng xe ô tô dài hoặc xuống lòng đường để đi".
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông vận tải quận Cầu Giấy Phan Anh Tuấn cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do mật độ phương tiện giao thông những năm gần đây gia tăng nhanh, nhưng quỹ đất dành cho giao thông tĩnh rất hạn chế. Nhiều khu đô thị dù đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao hạ tầng cho địa phương quản lý, nhiều tuyến phố, ngõ chưa đặt tên... nên việc xử lý vi phạm gặp khó khăn.
Ngoài ra, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản quy định về quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường chưa có sự thống nhất cũng ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
“Đơn cử, Điều 36 Luật Giao thông đường bộ (năm 2008) quy định: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Còn Điểm e, Khoản 3, Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định: Phạt tiền 800.000-1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật. Thế nhưng, tại Điểm 9, Mục IV, Thông tư số 04/2008/
TT-BXD ngày 20-2-2008 của Bộ Xây dựng lại quy định: Sử dụng hè phố vào việc để xe không được cản trở giao thông của người đi bộ; phải bảo đảm bề rộng tối thiểu còn lại dành cho người đi bộ là 1,5m. Lợi dụng sự thiếu thống nhất này, nhiều người vi phạm không chấp hành yêu cầu xử phạt của lực lượng chức năng”, ông Phan Anh Tuấn nêu rõ.
Còn Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Trương Minh Quang cho hay, trên địa bàn quận có nhiều bệnh viện, trường đại học, cao đẳng, lưu lượng người và phương tiện hằng ngày rất đông. Tuy nhiên, bãi trông giữ xe tĩnh trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được khoảng 9% nhu cầu của người dân; một bộ phận không nhỏ người dân ý thức không cao nên việc dừng, đỗ xe trên vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
Nhằm từng bước xử lý vi phạm kể trên, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý người điều khiển phương tiện dừng, đỗ xe không đúng quy định; tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm... Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tăng cường sử dụng hệ thống camera giám sát trong xử lý vi phạm (phạt nguội). Theo đó, từ ngày 15-12-2023 đến 14-5-2024, chỉ riêng lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã xử lý 10.464 lượt xe ô tô, 1.253 lượt xe mô tô dừng, đỗ sai quy định trên vỉa hè, lòng đường... Tuy nhiên, vi phạm vẫn tái diễn khi vắng lực lượng chức năng.
Để giải quyết dứt điểm vi phạm, ông Trương Minh Quang đề xuất, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, trước mắt, các sở, ngành cần nghiên cứu cấp phép tạm các bãi đất trống, dự án chưa triển khai làm bãi trông, giữ xe. Về lâu dài, cần triển khai xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu để xe của người dân...
"Từ bất cập hiện nay, mong rằng Chính phủ, các bộ, ngành sớm nghiên cứu, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc quản lý lòng đường, vỉa hè, tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng, chính quyền trong quản lý, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, thành phố cần chú trọng phát triển hạ tầng, phương tiện giao thông công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, hạn chế phương tiện cá nhân đi vào nội thành", ông Phan Anh Tuấn đề xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.