Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bộ chính sách

Gia Khánh| 07/01/2021 06:08

(HNM) - Theo số liệu của Bộ Xây dựng, đến hết năm 2020, cả nước mới có 249 dự án, với 5,21 triệu mét vuông sàn nhà ở giá rẻ được hoàn thành, đạt tỷ lệ 41,7% so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong khi đó, đây lại là phân khúc chiếm tới 70-80% nhu cầu thị trường.

Sự lệch pha cung - cầu nói trên là do dự án nhà ở giá rẻ không hấp dẫn nhà đầu tư vì lợi nhuận thấp, nguồn vốn ưu đãi cho chủ đầu tư và người mua cũng không có nhiều, quỹ đất dành cho dự án nhà ở giá rẻ thiếu… Cho nên, không có nhiều dự án nhà ở giá rẻ được triển khai trong vòng 2 năm trở lại đây. Đặc biệt, trong năm 2020, việc sụt giảm nguồn cung trong khi nhu cầu lớn đã đẩy giá căn hộ tăng mạnh, khiến nhiều dự án thuộc phân khúc nhà giá rẻ lại có giá bán tương đương phân khúc trung bình.

Đương nhiên, sự lệch pha cung - cầu và việc hình thành mặt bằng giá nhà ở mới càng làm cho đối tượng chính sách, người thu nhập thấp, cán bộ, công nhân viên, người lao động… khó tiếp cận và sở hữu nhà ở. Nói cách khác, mục tiêu năm 2020 trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhiều năm nữa mới có thể hoàn thành nếu không có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ.

Thực tế, các bộ, ngành, địa phương cũng đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở giá rẻ, song vấn đề quan trọng nhất đặt ra vẫn là khơi thông nguồn vốn lãi suất ưu đãi và hình thành quỹ đất sạch nhằm giảm chi phí cho nhà đầu tư. Giai đoạn trước đây, khi Chính phủ có nguồn vốn 30.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển dự án nhà ở xã hội, đã có được một lượng lớn căn hộ giá rẻ, hàng nghìn hộ gia đình sở hữu nhà ở tại những dự án được quy hoạch đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Vì vậy, trước hết cần sớm thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại đã được chỉ định để cho doanh nghiệp và người dân vay xây dựng, mua nhà ở xã hội. Cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu, đề xuất chương trình kích cầu đầu tư nhà ở giá rẻ bằng vốn ngân sách, hình thành gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ cho cả chủ đầu tư và đối tượng mua nhà, tương tự như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng trước đây. Về quy hoạch, nhất thiết dự án phải được thiết kế đồng bộ hạ tầng, bảo đảm điều kiện sống cho cư dân; đồng thời, Nhà nước có thể hỗ trợ việc kết nối giữa khu nhà ở với trung tâm thành phố bằng các dự án giao thông công cộng.

Được biết, hiện tại các địa phương đều đã xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó xác định rõ chỉ tiêu phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần thiết xác định cụ thể danh mục dự án, bố trí quỹ đất sạch hoặc áp dụng cơ chế các chủ đầu tư dự án khu đô thị dành một tỷ lệ diện tích đất nhất định giao cho địa phương phát triển nhà ở giá rẻ. Đi cùng với đó, nhà đầu tư có thể được hưởng thêm cơ chế chậm nộp hoặc giảm tiền sử dụng đất; tạo điều kiện hoặc rút gọn thủ tục đầu tư xây dựng… để giảm chi phí và nhanh chóng hoàn thành, đưa dự án nhà ở giá rẻ vào sử dụng, bổ sung nguồn cung cho thị trường. Cuối cùng, những bất cập trong quy định về phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, đầu tư… cũng cần sớm được tháo gỡ. Khi đã có được sự đồng bộ từ chính sách đến cơ chế thực hiện, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, việc mất cân đối cung - cầu nhà ở giá rẻ chắc chắn sẽ được giải quyết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.