Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dồn sức cho vụ xuân thắng lợi

Sơn Tùng| 21/01/2019 06:18

(HNM) - Thời điểm này, nông dân Hà Nội đang tập trung vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị giống, phân bón, lấy nước,... cho gieo trồng vụ xuân.

Công nhân Công ty Thủy lợi Phù Sa (thị xã Sơn Tây) bảo dưỡng hệ thống máy bơm, sẵn sàng lấy nước phục vụ sản xuất vụ xuân. Ảnh: Bá Hoạt


Chuẩn bị tốt, tuân thủ khung thời vụ

Hiện nay, lác đác trên các cánh đồng của huyện Ba Vì, nông dân một số xã đã bắt đầu chăm sóc lúa xuân sớm. Chị Bùi Thị Lan, xã Yên Bài chia sẻ: “Đối với những giống lúa dài ngày, được khuyến cáo gieo cấy sớm để tránh lũ tiểu mãn, gia đình tôi đã chủ động gieo mạ để bảo đảm đúng khung thời vụ. Với gần 5 sào ruộng, gia đình sẽ cấy trước Tết Nguyên đán 3 sào, 2 sào còn lại được gieo cấy sau Tết với những giống lúa chất lượng, ngắn ngày”.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình cho biết, vụ xuân năm nay, toàn huyện dự kiến gieo trồng hơn 5.000ha lúa và hoa màu. Với diện tích gieo cấy sớm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hướng dẫn bà con xuống giống và tiến hành gieo cấy. Với khu vực cần đợi nguồn nước đổ ải, sẽ gieo cấy sau bằng các giống ngắn ngày. Đáng chú ý, để bảo đảm vụ xuân thắng lợi, huyện đã có kế hoạch hỗ trợ 50% giá giống thuần chủng năng suất, chất lượng cao cho các địa phương. Huyện cũng phối kết hợp với các công ty cung ứng giống uy tín, đúng chủng loại, chất lượng cho nông dân, hợp tác xã trên địa bàn với hơn 300 tấn các loại.

Tương tự, dù đang tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhưng nông dân huyện Thạch Thất vẫn chủ động thời gian chuẩn bị giống, vật tư… để gieo trồng vụ xuân. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, UBND huyện Thạch Thất đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch gieo trồng vụ xuân cụ thể, chi tiết từng loại cây trồng. Với khẩu hiệu “Vui xuân không quên nhiệm vụ”, người dân Thạch Thất đã tiến hành gieo mạ và trồng rau màu… Dự kiến vụ xuân 2019, toàn huyện gieo trồng hơn 5.400ha, trong đó cây lúa khoảng 4.400ha...

Không chỉ Thạch Thất, Ba Vì, tại hầu hết các huyện, chính quyền và người dân đã chủ động nguồn giống, vật tư, phân bón để gieo trồng vụ xuân. Bà Mai Minh Hương, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, ngay từ khi kết thúc vụ đông, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ xuân. Vụ xuân năm nay, thành phố gieo trồng khoảng 120.000ha, trong đó, diện tích lúa xuân khoảng 98.000ha, còn lại là các loại cây trồng khác. Đối với cây lúa, phần lớn diện tích sẽ tập trung gieo cấy vào trà xuân muộn, cơ cấu giống với 50% là bộ giống lúa chất lượng cao, 38% lúa năng suất, còn lại là lúa lai.

“Theo lịch thời vụ, các địa phương sẽ gieo mạ vào thời điểm tiết lập xuân và tập trung cấy sau Tết Nguyên đán, kết thúc gieo cấy trong tháng 2 bằng các giống ngắn ngày, bảo đảm lúa trỗ tập trung từ ngày 10 đến 20-5. Riêng các xã ven sông Tích gieo cấy sớm để tránh lũ tiểu mãn. Trong quá trình gieo mạ, bà con phải áp dụng biện pháp che phủ ni lông chống rét cho toàn bộ diện tích mạ, trước khi đưa mạ ra cấy phải luyện mạ theo đúng kỹ thuật. Tuyệt đối không ngâm ủ, gieo mạ và cấy vào những ngày nhiệt độ dưới 15 độ C. Việc tuân thủ khung thời vụ sẽ quyết định năng suất cũng như chất lượng cây trồng” - bà Mai Minh Hương nhấn mạnh.

Đồng bộ giải pháp

Cùng với việc chủ động nguồn giống, tuân thủ khung thời vụ, ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp, có kế hoạch tháo gỡ vướng mắc cho những địa phương gặp khó khăn về nguồn nước và có truyền thống gieo cấy muộn.

Nông dân huyện Thanh Oai chuẩn bị hạt giống để gieo mạ vụ xuân. Ảnh: Hữu Nghị


Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn cung cấp thông tin, căn cứ lịch xả nước từ các hồ chứa, Chi cục đã có phương án lấy nước phục vụ sản xuất cụ thể. Hà Nội đã đầu tư gần 14,5 tỷ đồng nâng cấp hệ thống điện và bổ sung 32 tổ máy cho Trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây). Công trình đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng nhu cầu lấy nước cho 6.418ha đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản thuộc các địa phương thường xuyên gặp khó về nguồn nước, gồm: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây. Thành phố cũng đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội thi công cải tạo, nâng cấp đường điện, lắp đặt trạm biến áp và bổ sung 5 tổ máy cho Trạm bơm Ấp Bắc (huyện Đông Anh).

Để giải quyết tình trạng bỏ hoang ruộng hoặc gieo cấy chậm, muộn so với khung thời vụ, nhiều huyện đã có chính sách hỗ trợ cụ thể. Đơn cử, huyện Thạch Thất hỗ trợ 100% kinh phí mua giống vật tư cho các tổ chức, hợp tác xã nông nghiệp nhận gieo trồng trên diện tích nông dân không gieo cấy. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn chia sẻ, huyện đã có chính sách hỗ trợ 50% giống, 50% giá thể mạ khay cho vùng trồng lúa hàng hóa một loại giống có quy mô từ 30ha trở lên.

Đối với cây rau màu, để tránh tình trạng một số loại rau màu, nhất là rau ăn lá, su hào, cải bắp, cà chua… bị dư thừa cục bộ khi thời tiết nắng ấm, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch theo hướng nông dân trồng rải vụ, không xuống giống ồ ạt cùng một thời điểm. Cùng với đó, chú trọng sản xuất rau, quả an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, trong bối cảnh biến đổi khí hậu bất thường như hiện nay thì việc ứng dụng các biện pháp khoa học vào sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng. Theo đó, các địa phương mở rộng phương thức mạ khay, máy cấy, dịch vụ trọn gói và cánh đồng lớn trồng một giống lúa, một trà, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, sử dụng vật tư đầu vào hợp lý, hiệu quả, liên kết bao tiêu sản phẩm. Trong đó, phải phát huy tối đa vai trò của các hợp tác xã, tổ đội sản xuất và chủ động gieo trồng các loại rau màu, cây trồng hợp lý theo quy hoạch và thế mạnh từng địa phương.

Với sự chuẩn bị kỹ càng, đồng bộ, hy vọng thời tiết mưa thuận, gió hòa sẽ mang đến một mùa vụ bội thu...

Bắt đầu từ 0h hôm nay 21-1 đến 24h ngày 24-1, các hồ thủy điện khu vực miền Bắc sẽ xả nước đợt 1 để phục vụ nhân dân cấy lúa vụ xuân 2019. Để bảo đảm đủ nước phục vụ cấy lúa vụ xuân, đến thời điểm này, 5 doanh nghiệp thủy lợi thành phố đã lắp đặt hoàn thiện 69 trạm bơm dã chiến với 225 máy bơm các loại; nạo vét 197.848m3 bùn, đất trên các tuyến kênh mương, cửa khẩu... Hiện nay, 5 công ty thủy lợi vận hành 189 trạm với 346 máy bơm các loại, tổng lưu lượng 424.420m3/giờ; mở cống lấy nước Liên Mạc... Tính đến ngày 20-1, trên địa bàn thành phố đã có hơn 22.000ha sản xuất nông nghiệp đủ nước làm đất, gieo cấy...

Kim Nhuệ
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dồn sức cho vụ xuân thắng lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.