(HNM) - Đội tuyển Việt Nam đã có được trận thắng đầu tiên tính từ đầu năm đến nay khi nhọc nhằn vượt qua chủ nhà Đài Loan (Trung Quốc) 2-1 vào tối 8-9 ở vòng loại World Cup 2018, Cúp bóng đá Châu Á 2019. Nhưng cũng như trận thua Thái Lan cách đây ít tháng, cảm giác chung sau trận thắng vẫn là tâm trạng buồn bực và hoài nghi.
Trận thua Thái Lan 0-1 ở lượt trận đầu tiên vòng đấu bảng World Cup 2018, Cúp bóng đá Châu Á 2019 khiến nhiều người phải cay đắng thừa nhận bóng đá Việt Nam đang có khoảng cách khá xa so với Thái Lan. Những diễn biến ở trận đấu ấy cho thấy các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam khi chỉ biết phá bóng mà không thể chơi sòng phẳng với đối thủ. Điều đó chỉ có ở một đội bóng yếu hơn, mà người hâm mộ thì không mong muốn.
Còn trận đấu với Đài Loan (Trung Quốc) dù thắng nhưng không mang đến niềm hứng khởi. Đúng là các học trò của ông T.Miura đã chiến thắng đầy kịch tính nhưng cái cách đi đến chiến thắng càng khiến người ta thêm lo ngại về mục tiêu nâng tầm bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Dù được đánh giá cao hơn, nhưng các tuyển thủ Việt Nam lại thi đấu nhạt nhòa, kém thuyết phục hơn. Họ chơi thứ bóng đá mà không ai muốn thấy ở đội tuyển. Những đường bóng dài để các tiền đạo, chẳng phải cao to hay giỏi càn lướt, lao vào tranh chấp với trung vệ đối phương chỉ làm khổ cầu thủ tuyến đầu. Trong khi đó, Đài Loan lại trình diễn một lối chơi mạch lạc. Lối chơi bật nhỏ, nhuyễn, di chuyển không bóng hợp lý kết hợp với những đường chuyền ra sau hậu vệ có điểm rơi là những thứ mà lẽ ra phải được thể hiện ở đội tuyển Việt Nam vì phù hợp với tố chất con người, cầu thủ Việt Nam. Nhiều người nói thì chính các cầu thủ Việt Nam tự làm khổ mình, dẫn đến không thể làm chủ cuộc chơi mỗi khi đối đầu với đối thủ ngang hoặc trên tầm một chút. Cái cách cầu thủ Việt Nam không thể cầm nổi bóng trước Đài Loan cho thấy đội tuyển còn nhiều vấn đề phải giải quyết dù có thể chơi thứ bóng đá đẹp mắt và hiệu quả hơn. Thế nên, kể cả khi đội tuyển có thắng Đài Loan (Trung Quốc) thì tất cả đều thống nhất là "may hơn khôn". Trong trận này, kể cả pha dàn xếp đá phạt góc dẫn đến bàn mở tỷ số cũng không thể cứu vãn cho một trận đấu kém thuyết phục.
Tất nhiên, ông T.Miura có cái lý khi hướng các cầu thủ Việt Nam đến lối chơi khoa học, đơn giản, chắc chắn và hiệu quả. Nhưng thực tế, đến lúc này, đội tuyển mới đạt đến sự đơn giản, nhiều khi còn là đơn điệu trong khi các yếu tố còn lại đều nhạt nhòa. Hai trận đấu chính thức gần đây với Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) càng cho thấy rõ điều này. Đội tuyển dường như vẫn loay hoay đi tìm chính mình, chơi thứ bóng đá ít dấu ấn chiến thuật, dù ông T.Miura khẳng định các cầu thủ đã hiểu triết lý bóng đá của ông. Và ông T.Miura chắc hẳn cũng hết sức lo lắng khi chứng kiến các học trò không thể thực hiện được thứ bóng đá mà ông mong muốn.
Mà điều này phần nhiều lại thuộc về chính ông T.Miura, người được kỳ vọng sẽ giúp đội tuyển Việt Nam nâng tầm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.