(HNMO) - Đến ngày 12-8, trên 90% số hộ bị ngập úng nặng tại các xã của huyện Chương Mỹ: Nam Phương Tiến, Tân Tiến… nước đã rút, nhân dân đang dồn lực để dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường, ổn định đời sống.
Đại diện Tập đoàn Bitexco tặng nước uống tinh khiết cho nhân dân 3 xã: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ). |
Theo UBND huyện Chương Mỹ, đến nay, trên địa bàn huyện còn khoảng 100 hộ dân vẫn bị ngập nhưng mức độ nhẹ, chỉ còn ngập sân và ngõ. Trong ngày, tổ vệ sinh y tế của huyện tiếp tục đi từng hộ dân để hỗ trợ nhân dân xử lý giếng khơi, giếng khoan, bể nước... Số nhân lực tham gia hỗ trợ các xã vệ sinh môi trường, khám chữa bệnh, giúp người dân ổn định đời sống... vẫn duy trì khoảng 3.000 người. Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai tiếp tục bố trí 15 người và 3 xe chuyên dụng để vận chuyển bùn, rác thải.
Xã Nam Phương Tiến vẫn còn 80 hộ bị ngập, 90 hộ vẫn bị ngắt điện nhằm bảo đảm an toàn, do tường nhà bị ẩm. Tại xã Tân Tiến, đến nay, chỉ còn 10 hộ dân bị ngập chưa thể dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường. Còn lại, hầu hết các hộ dân đều đã trở về, dọn dẹp nhà cửa, bắt đầu khôi phục sản xuất; trên địa bàn xã không còn hộ dân nào bị cắt điện.
Lực lượng Công an, Quân đội hỗ trợ nhân dân xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) tổng vệ sinh môi trường trong ngày 12-8. |
Trong ngày 12-8, Tập đoàn Bitexco đã tặng nhân dân 3 xã: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ 200 thùng nước khoáng. Người dân xã Trung Hòa (cùng huyện Chương Mỹ) tặng 33 suất quà cho các hộ nghèo trên địa bàn xã Nam Phương Tiến, mỗi suất 1 triệu đồng và 20kg gạo.
Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ, với phương châm “nước rút đến đâu làm sạch môi trường đến đó”, toàn xã tập trung thu gom xác súc vật, rác thải, phế liệu mang đi chôn, lấp theo quy định; tổ chức phun thuốc khử trùng môi trường, không để nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Mỗi ngày, xã huy động lực lượng tại chỗ tham gia tổng vệ sinh môi trường với hơn 1.000 người tham gia. Tuy nhiên, với số lượng rác thải, bùn đất sau khi nước rút rất lớn cùng thời tiết nắng nóng, nên công tác vệ sinh, thu gom rác thải, tiêu độc rất vất vả.
Đến ngày 12-8, trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn khoảng 100 hộ dân vẫn bị ngập nước, người dân phải lội nước hoặc đi lại bằng thuyền. |
Ngay từ những ngày đầu nước mới rút (từ 8-8 đến nay), xã luôn nhận được sự hỗ trợ về nhân lực, vật lực của các cơ quan, đơn vị với số lượng lên tới vài trăm người cùng nhiều phương tiện cơ giới...Trong ngày 12-8, trên địa bàn xã có 100 chiến sỹ Trung tâm huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và gần 50 đoàn viên thanh niên Huyện Đoàn Chương Mỹ, Công an huyện Chương Mỹ, Cảnh sát Phòng cháy - Chữa cháy cùng 2 xe chuyên dụng hỗ trợ nhân dân rửa các trục đường chính...
Cùng với tổng vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm, các nhà văn hóa, trường học trên địa bàn sau khi nước rút cũng đã được nhân dân và lực lượng hỗ trợ tổng vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ.
* Sau khi nước rút, các địa phương trên địa bàn huyện Quốc Oai đã tích cực làm vệ sinh môi trường, phun hóa chất, rắc vôi bột khử trùng. Tuy nhiên, việc phục hồi sản xuất nông nghiệp còn khó khăn. Tại địa bàn xã Tuyết Nghĩa, 189,9ha lúa và rau màu; 19,4ha cây ăn quả tập trung; 27,5ha thủy sản chuyên canh bị ngập, mất trắng.
Phó Chủ tịch UBND xã Tuyết Nghĩa Nguyễn Văn Hạnh cho biết, mặc dù nước sông Tích ở mức +6,0m, dưới báo động lũ cấp I, nhưng do nước ngập lâu, nên các diện tích lúa, rau màu vụ mùa và thủy sản chuyên canh không thể cứu vãn được. Hiện, xã đang nỗ lực tháo nước từ đồng ruộng ra sông để làm khô đất, tập trung cho trồng cây vụ đông.
Tương tự, tại địa bàn xã Cấn Hữu, 40ha lúa mùa và toàn bộ diện tích chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản bị mất trắng. Xã Liệp Tuyết có hơn 20ha lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản ven sông Tích mất trắng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.