Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn

Thu Hằng| 26/04/2022 06:33

(HNM) - Cứ đến ngày 26-4 hằng năm, hệ thống sở hữu trí tuệ toàn cầu lại cùng hướng tới các hoạt động hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới. Năm nay, thông điệp cho Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới được chọn là: “Sở hữu trí tuệ và thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn”.

Hội đồng giám khảo chấm thi cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 17 do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức.

Niềm hy vọng vào thế hệ Z

Những người trẻ tuổi ngày nay được gọi là thế hệ Z (tiếng Anh: Generation Z, viết tắt: Gen Z). Đây là thế hệ gồm những người sinh từ những năm cuối thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010.

Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, năm 2019, số lượng thế hệ Z đang trong độ tuổi lao động (15-24 tuổi) ở nước ta vào khoảng 13 triệu người, chiếm khoảng 19% số lượng người trong độ tuổi lao động. Dự kiến, đến năm 2025, nhóm này sẽ chiếm gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam. Đây sẽ là những nhà đổi mới, sáng tạo và họ sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước.

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ghi nhận vai trò to lớn của giới trẻ trong việc tạo ra sự đổi mới sáng tạo để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Hay nói cách khác, tương lai của chúng ta có bền vững hay không phụ thuộc vào ý thức và sức sáng tạo của thế hệ trẻ.

Theo WIPO, những người trẻ tuổi sẽ là những nhà đổi mới, nhà sáng tạo, nhà sáng chế và nhà doanh nghiệp của ngày mai. Hơn ai hết, chính họ phải là những người tiên phong thực hiện và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong mọi lĩnh vực.

Chất xúc tác khơi dậy đổi mới sáng tạo

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, Việt Nam đang đứng trước một vận hội lớn khi sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có nhiều ý tưởng sáng tạo.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, là một yếu tố không thể tách rời trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Tháng 7-2021, Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 với các mục đích, yêu cầu cụ thể và phù hợp với thực tiễn, nhằm đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo môi trường thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội. Trước đó, tháng 3-2021, lần đầu tiên, Thành ủy Hà Nội ban hành một chương trình riêng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” với kỳ vọng mang đến sự phát triển và đổi thay mạnh mẽ cho ngành Khoa học - Công nghệ của Thủ đô, trong đó nhấn mạnh đến sở hữu trí tuệ.

Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về thành tích tham dự cuộc thi sáng tạo trong thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Phong trào nghiên cứu, sáng tạo trong học sinh Thủ đô luôn được quan tâm, duy trì và ngày càng phát triển sâu rộng trên địa bàn thành phố. Hà Nội cũng ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thanh niên.

Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ năm nay, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, nhất là tại các trường học - cái nôi nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng của đất nước. Đó là các cuộc thi về hoạt động sáng tạo, sở hữu trí tuệ dành cho thanh, thiếu niên; các buổi học ngoại khóa dành cho học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở về một số vấn đề cơ bản của sở hữu trí tuệ; chuỗi hoạt động tư vấn, tuyên truyền sở hữu trí tuệ cho giới trẻ tại các trường đại học cũng như các buổi hội thảo, sự kiện bên lề kêu gọi hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia (21-4) và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26-4)... Qua đó, thế hệ Gen Z sẽ hiểu rõ hơn về cách mà các công cụ của hệ thống sở hữu trí tuệ - nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng, bí mật kinh doanh… có thể hỗ trợ các mục tiêu, giúp biến ý tưởng của các em thành hiện thực vươn lên trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nắm bắt cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại.

Sẽ không thể có được những nhà sáng tạo, những doanh nhân trẻ tài ba, nếu ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường, học sinh, sinh viên không tìm hiểu, nghiên cứu và nghiền ngẫm tài liệu với sự hiểu biết và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Hy vọng, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4 sẽ là chất xúc tác giúp khơi dậy và khuyến khích thế hệ trẻ Việt Nam tích cực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trên tinh thần tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời được trang bị những kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ làm hành trang khi lập nghiệp và tham gia phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.