(HNM) - Trong thời gian qua, ngành công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh dù tăng trưởng cao nhưng chưa có những tập đoàn lớn, tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Thành phố đang định hướng chính sách, giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là đổi mới sáng tạo, để phấn đấu đến năm 2025, sẽ có nhiều tập đoàn kinh tế mạnh, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp.
Nhiều thách thức trong phát triển công nghiệp
Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phương Đông cho biết, đến nay, giá trị gia tăng công nghiệp thành phố chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn thành phố chiếm tỷ trọng lớn, cụ thể, giá trị tăng thêm chiếm hơn 28,6% cơ cấu cả nước, số lượng doanh nghiệp chiếm hơn 30%. Tuy nhiên, ngành công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với không ít thách thức.
Trước hết đó là những dấu hiệu cho thấy có sự dịch chuyển đầu tư công nghiệp từ thành phố Hồ Chí Minh ra các địa phương khác trong vùng. “Chi phí đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng do tốc độ đô thị hóa nhanh. Điều này dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư có xu hướng chuyển về các tỉnh lân cận”, ông Nguyễn Phương Đông nhận định.
Đồng tình với nhận xét này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, xét trong phạm vi của thành phố thì công nghiệp đứng vị trí thứ hai về cơ cấu giá trị tăng thêm cũng như đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong khi giá trị sản xuất của doanh nghiệp các tỉnh đầu tư vào thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 39.000 tỷ đồng, thì giá trị sản xuất của doanh nghiệp thành phố đầu tư ra các tỉnh lên đến 103.000 tỷ đồng. Khoảng cách chênh lệch này đang ngày càng rộng.
Bên cạnh đó, theo Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh cả thế giới đang hướng đến Cách mạng công nghiệp 4.0 thì ngành cơ khí thành phố vẫn loay hoay ở trình độ 2.0, chỉ một số rất ít doanh nghiệp đạt trình độ 3.0. Hiện tại, ngành cơ khí thành phố rất cần có định hướng phát triển cùng chính sách hỗ trợ của thành phố.
Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất nhựa Duy Tân Trần Duy Hy cho rằng, ngành nhựa Việt Nam còn nhiều dư địa và được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng trung bình 6,5%/năm trong giai đoạn 2019-2023. Chính vì vậy, nếu thành phố và các bộ, ngành không có chính sách tốt cho doanh nghiệp trong nước làm chủ thị trường, sẽ có nguy cơ bị thua trên sân nhà trước sự cạnh tranh của doanh nghiệp ngoài nước. Còn theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dây cáp điện Cadivi Lê Quang Định, các công ty đa quốc gia khi vào Việt Nam mang theo các nhà cung cấp của mình hoặc các nhà cung cấp khác vào Việt Nam lập nhà máy sản xuất để cung ứng vật tư. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh ngay tại sân nhà.
Hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh
PGS.TS Trần Hoàng Ngân đề xuất, trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như sự phát triển vượt bậc của các địa phương khác trong mối liên kết vùng, định hướng phát triển công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới không nên tiếp tục lựa chọn 4 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như trước đây (gồm: Cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su; chế biến tinh lương thực thực phẩm) mà phát triển công nghiệp dựa trên 4 trụ cột mới là: Phát triển công nghiệp công nghệ cao; sản xuất thông minh; nghiên cứu phát triển; liên kết vùng.
Về định hướng hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng thông tin, thành phố lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho hoạt động đổi mới sáng tạo, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực theo xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là công nghệ thông tin và cơ khí - tự động hóa. Để làm được điều này, cần có chương trình phát triển khoa học - công nghệ thật sự trọng điểm được đầu tư lớn và dài hạn.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, trong năm 2019, thành phố đã thu hút 742 triệu USD vào ngành công nghiệp công nghệ cao. Điều này cho thấy, công nghiệp công nghệ cao đang có sức hút lớn đối với nhà đầu tư. Chính vì vậy, giai đoạn 2019-2021, thành phố sẽ dành 1.929ha đất cho phát triển công nghiệp, trong đó dành 380ha để thành lập khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. “Thành phố sẽ phân tích từng ngành trong số 700 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 1.000 tỷ đồng, để có định hướng hỗ trợ chính sách phù hợp. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố sẽ có những tập đoàn kinh tế mạnh ở từng lĩnh vực, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.