Công nghiệp văn hóa

"Chìa khóa" phát triển công nghiệp âm nhạc

Thụy Du 07/02/2024 - 18:07

Năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ của các show nhạc "sống". Khán giả sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng, thậm chí di chuyển từ rất xa để được tận hưởng không gian âm nhạc hoành tráng, kết hợp nhiều trải nghiệm.

Nắm bắt được xu hướng thưởng thức âm nhạc của giới trẻ hiện nay chính là “chìa khóa” để phát triển công nghiệp âm nhạc, công nghiệp văn hóa Thủ đô.

hololab.vn-wp-content-uploads-2023-12-_hay-glamping-music-festival.jpeg
Hay Glamping Music Festival (Hay Fest) tại Công viên Yên Sở (Hà Nội) là một lễ hội âm nhạc đặc biệt khi kết hợp với hình thức cắm trại, thư giãn.

Âm nhạc đẳng cấp, đa trải nghiệm lên ngôi

Chắc chắn chương trình biểu diễn nghệ thuật “Chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới 2023” (Born Pink World Tour 2023) của BlackPink tại Hà Nội hồi tháng 7-2023 là một dấu ấn lớn trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Nhiều người bỏ ra số tiền đến 9 triệu đồng để có vé vào thưởng thức màn trình diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc được hâm mộ trên toàn thế giới này. Chưa kể, không ít người di chuyển từ các tỉnh, thành phố và nhiều quốc gia khác đến Hà Nội. Bù lại, hơn 67.000 khán giả, nhất là giới trẻ Việt Nam đã có những trải nghiệm khó quên. Họ được thỏa mãn ước mơ gặp thần tượng âm nhạc, thưởng thức những màn trình diễn đẳng cấp quốc tế. Các bạn trẻ được hát hò, nhảy múa theo nghệ sĩ trong không khí phấn khích và tràn đầy nhiệt huyết như được truyền thêm năng lượng, sự tự tin, tích cực và nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão. Không quá khi nói rằng, chương trình đã đưa khán giả trẻ Việt Nam hòa nhập với xu hướng thế giới. Phụ huynh qua hoạt động này cũng phần nào hiểu được sở thích của thế hệ trẻ hiện nay và ủng hộ con em mình.

Không chỉ là nghe nhạc, khán giả trẻ ngày nay thích sống trong không khí lễ hội âm nhạc với nhiều trải nghiệm. Như Lễ hội âm nhạc Hay Glamping Music Festival (Hay Fest) diễn ra cuối tháng 9 tại Công viên Yên Sở (Hà Nội) đã đưa 10.000 khán giả mộ điệu chìm đắm trong âm nhạc hấp dẫn, gặp gỡ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam như Suboi, JustaTee, Trung Quân, Hoàng Dũng và các nghệ sĩ quốc tế như thủ lĩnh ban nhạc Boyzone (Anh) Ronan Keating, nhóm nhạc hip hop nổi danh Hàn Quốc Epik High. Điều đặc biệt là lễ hội được tổ chức theo mô hình kết hợp giữa cắm trại nghỉ dưỡng và âm nhạc, đang rất được ưa chuộng trên thế giới. Ở đó, khán giả vừa được thưởng thức âm nhạc đỉnh cao, vừa được nghỉ ngơi, thư giãn hay tham gia các hoạt động cắm trại, mua sắm hấp dẫn.

Còn Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa - Monsoon Music Festival 2023 - một thương hiệu nghệ thuật của Thủ đô, trở lại vào mùa thu năm 2023 với format mới, đúng nghĩa là lễ hội âm nhạc theo xu hướng quốc tế. Hơn 40 nghệ sĩ, gần 70 buổi biểu diễn đa dạng thể loại, với 4.000 phút “bùng cháy” ở nhiều địa điểm khác nhau trong suốt hơn một tuần, lễ hội âm nhạc này đã cuốn hút nhiều đối tượng khán giả say sưa tận hưởng.

Liveshow "Tri âm" của ca sĩ Mỹ Tâm tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình và “Show của Đen” của rapper Đen tại Cung Điền kinh Mỹ Đình (Hà Nội) cũng đã đưa hàng chục nghìn khán giả, trong đó đa số là bạn trẻ, trải nghiệm không chỉ một đêm nghệ thuật nhiệt huyết mà còn cả ngày để giao lưu, chia sẻ niềm yêu thích âm nhạc với nhau...

Xu hướng thụ hưởng và thực hành sáng tạo

Theo Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI), hình thức giải trí phổ biến nhất tại Việt Nam chính là âm nhạc. Vì vậy, một trong những bước đi đầu tiên để xây dựng ngành công nghiệp âm nhạc là nắm bắt xu hướng hưởng thụ âm nhạc của giới trẻ. Khán giả hiện nay không chỉ nghe nhạc số qua các thiết bị công nghệ mà bắt đầu ưa thích trải nghiệm nhạc "sống", với những chương trình đòi hỏi cao về chất lượng. Việc trình diễn nhạc "sống", đặc biệt thông qua những lễ hội âm nhạc chuyên nghiệp sẽ góp phần tạo sức bật cho ngành công nghiệp âm nhạc. Những sự kiện lớn trong năm qua như Born Pink World Tour, Hay Fest, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, liveshow "Tri âm", "Show của Đen"... không chỉ đem lại doanh thu khổng lồ từ việc bán vé mà còn thúc đẩy các dịch vụ khác như hàng không, khách sạn, nhà hàng và phụ kiện đi kèm...

Tại cuộc hội thảo quốc tế “Công nghiệp âm nhạc và những triển vọng tương lai” được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa năm 2023, ông Võ Đức Anh, nhà đồng sáng lập không gian âm nhạc Hanoi Rock City cho rằng, để khán giả ra ngoài nghe nhạc "sống" thì những người tổ chức, hoạt động, sản xuất phải tạo ra các chương trình âm nhạc “gây nghiện”. “Nghiện ở đây là nghiện nhạc, nghiện về chất lượng, nghiện về trải nghiệm, phải đầu tư chỉn chu hơn về chất lượng ban nhạc, nghệ sĩ biểu diễn, nhà sản xuất. Sự đầu tư này về lâu dài giúp hình thành và phát triển văn hóa thưởng thức nhạc "sống" của khán giả” - ông Võ Đức Anh chia sẻ.

Là người nhiều năm miệt mài xây dựng thương hiệu Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa cho Thủ đô, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung cho biết, càng ngày nhu cầu thưởng thức âm nhạc của khán giả càng đòi hỏi cao hơn. Vì vậy, các đơn vị, nhà tổ chức phải luôn thay đổi để đáp ứng; như Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa năm 2023 tạo bước đột phá với mô hình tổ chức mới, gồm chuỗi sự kiện kéo dài 9 ngày, tại nhiều địa điểm của Thủ đô. Thậm chí, Ban tổ chức đã ấn định ngày, địa điểm tổ chức lễ hội đến năm 2027 để tạo điểm đến quen thuộc cho khán giả và du khách, cũng như cho người mộ điệu lên kế hoạch tham dự sớm.

Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung, muốn phát triển công nghiệp âm nhạc, có sản phẩm mang tính đột phá, đáp ứng nhu cầu của người thụ hưởng, khiến khách hàng dù đi thật xa, bỏ tiền thật nhiều vẫn sẵn sàng, thì ngoài nỗ lực của giới nghề, cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, tạo điều kiện từ các cấp, ngành, địa phương cho công tác tổ chức, sáng tạo nghệ thuật.

Ở một góc nhìn khác, việc Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đem lại triển vọng lớn cho phát triển ngành công nghiệp âm nhạc. Nhiều thành phố trên thế giới như Belfast (Bắc Ireland) hay Daegu (Hàn Quốc)... sau khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đều phát triển mạnh về công nghiệp âm nhạc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cũng khẳng định, là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo giúp địa phương dễ kết nối và triển khai những hoạt động hướng tới phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói chung và công nghiệp âm nhạc nói riêng.

Những chương trình âm nhạc hoành tráng, đẳng cấp quốc tế đầy chặt khán giả trải nghiệm trong năm 2023 chứng tỏ hình thức này đang được giới trẻ ưa chuộng. Hướng đến đầu tư nhiều chương trình âm nhạc tầm cỡ như vậy trong tương lai hứa hẹn tạo đột phá cho công nghiệp văn hóa Thủ đô từ âm nhạc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Chìa khóa" phát triển công nghiệp âm nhạc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.