Góc nhìn

“Chìa khóa” phát triển công nghiệp văn hóa

Hiền Lương 07/01/2024 13:55

Công nghiệp văn hóa đã trở thành một trong những từ khóa được quan tâm nhất trong năm 2023 nhờ sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành và các địa phương, trong đó tiêu biểu là Hà Nội. Tháng 12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị toàn quốc bàn về phát triển công nghiệp văn hóa, một sự kiện được ví như “hội nghị Diên Hồng”.

hoi-nghi.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Mặc dù, Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa có từ cách đây 7 năm, nhưng có lẽ chỉ vài năm trở lại đây mới thực sự thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, và đó là lý do khiến nhiều người trong cuộc bày tỏ sự phấn chấn. Công nghiệp văn hóa có ý nghĩa quan trọng như thế nào có lẽ không cần bàn nhiều bởi với nhiều nước trên thế giới, đây là “sức mạnh mềm” mang lại lợi ích vô cùng to lớn. Thậm chí có những quốc gia vươn lên trở thành cường quốc nhờ công nghiệp văn hóa. Từ những nhận định tại hội nghị toàn quốc vừa qua, có thể thấy chúng ta còn quá nhiều việc phải làm để phát triển công nghiệp văn hóa, đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, việc có quá nhiều việc phải làm cũng dễ khiến các ngành, đơn vị, địa phương lúng túng khi quyết định hành động. Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa xác định 12 lĩnh vực cần tập trung triển khai, gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Việc nước ta xác định phát triển công nghiệp văn hóa trên nhiều lĩnh vực là điều bình thường, vì ngay trong khu vực Đông Nam Á thì Thái Lan cũng xác định tới 16 lĩnh vực. Nhưng với cấp địa phương ở ta, có lẽ không nên ôm đồm mà mỗi nơi cần lựa chọn 1 - 2 lĩnh vực có thế mạnh để tập trung ưu tiên đầu tư.

Trong khi có quá nhiều việc phải làm thì một câu hỏi cấp thiết đặt ra: Đâu là “chìa khóa” để phát triển công nghiệp văn hóa? Công nghiệp văn hóa, về bản chất và mục tiêu xét cho cùng là nhằm phát huy hiệu quả sức mạnh của văn hóa quốc gia, dân tộc trong các vai trò như phát triển con người; đóng góp trực tiếp vào GDP, kiến tạo nền kinh tế bền vững; quảng bá văn hóa quốc gia, mở lối cho sản phẩm của các ngành kinh tế khác chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Muốn phát triển công nghiệp văn hóa thì phải có sản phẩm, sản phẩm đó phải có sức hấp dẫn, có giá trị cao. Văn hóa dân tộc không tự dưng tỏa sáng, mà nó phải được “đóng gói” thật đẹp rồi đem ra quảng bá, giới thiệu với thế giới, làm sao thuyết phục họ yêu mến, thậm chí săn đón. Thời trang, kiến trúc, điện ảnh, du lịch văn hóa đều cần tạo ra giá trị mới, giá trị khác biệt thì mới được "thượng đế" để mắt tới. Muốn làm được điều đó thì không thể thiếu một yếu tố mang tính quyết định: Sự sáng tạo. Điều đó có nghĩa sáng tạo chính là chìa khóa để phát triển công nghiệp văn hóa. Đây không chỉ là kinh nghiệm phát triển của thế giới mà còn là thành tố đứng đầu trong phương châm phát triển công nghiệp văn hóa được Việt Nam lựa chọn: “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”.

Một khi xác định sáng tạo chính là chìa khóa để phát triển công nghiệp văn hóa, chúng ta sẽ tập trung đầu tư toàn diện cho sáng tạo. Sáng tạo trở thành tâm điểm, là trục xoay, là điểm hội tụ kết nối các ngành nghề, các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Đào tạo nhân lực cho công nghiệp văn hóa cũng sẽ lấy sáng tạo làm trung tâm. Các cơ chế, chính sách tập trung ưu tiên phát huy tính sáng tạo, tạo ra môi trường để sáng tạo đơm hoa, kết trái. Các quỹ hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa phải ưu tiên cho sáng tạo, hỗ trợ học bổng cho các tài năng trẻ, trao phần thưởng cho các dự án, công trình, sản phẩm sáng tạo...

Như nhà văn Pháp Albert Camus đã nói: “Mọi sự sáng tạo đích thực đều là món quà gửi tới tương lai”, một khi sáng tạo được lựa chọn và khai mở thì việc công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chỉ còn là vấn đề thời gian.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Chìa khóa” phát triển công nghiệp văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.