Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6: Bảo đảm các điều kiện tốt nhất

Hồng Hạnh| 27/11/2020 06:04

(HNM) - Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội. Với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, toàn diện theo hướng phát triển cả phẩm chất và năng lực học sinh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương đang khẩn trương chuẩn bị, quyết tâm bảo đảm các điều kiện triển khai tốt nhất.

Đội ngũ giáo viên cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy để thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa mới. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Thịnh Hào (quận Đống Đa). Ảnh: Đỗ Tâm

Hạn chế “sạn” sách giáo khoa

Để chuẩn bị cho việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đối với lớp 2 và lớp 6 trên cả nước từ năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang khẩn trương triển khai nhiều phần việc quan trọng. Khác với chương trình hiện hành chỉ có một bộ sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện với nhiều bộ sách giáo khoa, các địa phương được quyền lựa chọn bộ sách phù hợp để sử dụng trong giảng dạy ở các nhà trường.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia để tổ chức thẩm định các bộ sách giáo khoa, làm căn cứ cho các địa phương lựa chọn, đưa vào giảng dạy từ năm học tới. Đã có 33 bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và 43 bản mẫu sách giáo khoa lớp 6 của tất cả môn học, hoạt động giáo dục được gửi thẩm định.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, để bảo đảm tính chính xác, khách quan và chất lượng của việc thẩm định sách, các thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia được lựa chọn kỹ, tuyệt đối không tham gia các công việc liên quan đến biên soạn, xuất bản sách giáo khoa.

Dù vậy, cũng còn băn khoăn từ phía phụ huynh học sinh. Bà Trần Thùy Dương, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Đa Tốn (huyện Gia Lâm) chia sẻ: “Sang năm con tôi thuộc lứa học sinh đầu tiên học sách giáo khoa lớp 6 mới. Ngoài mối lo về nội dung kiến thức, tôi lo sách có sai sót, lọt lỗi, làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập”.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ) Nguyễn Thị Kim Xuân bày tỏ: “Cán bộ quản lý, giáo viên mong sớm được tiếp cận với sách giáo khoa mới để chuẩn bị kỹ hơn về mọi mặt, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông”.

Giải tỏa mối băn khoăn của phụ huynh học sinh, ông Nguyễn Hữu Độ cho hay, điểm mới trong khâu thẩm định sách giáo khoa lần này là sau hai vòng thẩm định, toàn bộ bản mẫu sách giáo khoa ở mức "đạt" theo đánh giá của Hội đồng thẩm định quốc gia sẽ được công khai để lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Sau đó, Hội đồng mới trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu đối với lớp 2, lớp 6 để các địa phương xây dựng kế hoạch mua sắm, đáp ứng yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới.  

Giáo viên hướng dẫn học sinh làm bài tại Trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Nguyễn Quang

Hà Nội chủ động vào cuộc

Với quyết tâm bảo đảm các điều kiện tốt nhất để thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 2 và lớp 6, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành Giáo dục Hà Nội đã và đang chủ động vào cuộc.

Là đơn vị có quy mô học sinh hằng năm liên tục tăng, ngành Giáo dục quận Hà Đông đặc biệt quan tâm đến công tác đầu tư xây dựng trường lớp và mua sắm trang thiết bị dạy học. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, căn cứ theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, phòng đang khẩn trương triển khai các công việc để tham mưu với UBND quận ban hành kế hoạch trang bị. Đồng thời tiếp tục có phương án cải tạo, mở rộng cơ sở vật chất trường, lớp, bảo đảm tốt nhất các yêu cầu dạy, học của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ thông tin, các nhà trường trên địa bàn huyện đã lên danh sách sơ bộ hơn 300 giáo viên dự kiến dạy lớp 2 và lớp 6 năm học tới với các yêu cầu bảo đảm về phẩm chất, kỹ năng và chuyên môn, sẵn sàng tham gia bồi dưỡng khi có thông báo.

Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) Nguyễn Thị Bích Nga, trong khi chờ có sách giáo khoa mới, nhà trường yêu cầu đội ngũ giáo viên, nhất là những giáo viên trong danh sách dự kiến sẽ dạy lớp 6 coi trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng rèn kỹ năng, tăng khả năng vận dụng kiến thức của học sinh.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Sở yêu cầu phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã tham mưu với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 theo danh mục Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; đồng thời rà soát, tận dụng tối đa cơ sở vật chất, thiết bị đã có, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí.

“Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng lưu ý, các phòng giáo dục và đào tạo tăng cường mọi nguồn lực để có thêm nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia; quan tâm rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, dự báo quy mô học sinh trong các năm học tiếp theo để chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đối với các khối lớp còn lại trong những năm tiếp theo”, ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6: Bảo đảm các điều kiện tốt nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.