Giáo dục

Nỗ lực thực hiện chủ trương xã hội hoá sách giáo khoa

Thống Nhất 11/11/2024 - 17:30

Để có được một bộ sách giáo khoa vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ biên soạn, xuất bản.

cua-hang-2022-1-.jpg

Là đơn vị tích cực tham gia vào chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa ngày càng đem lại hiệu quả trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn ngành.

Để hiểu rõ hơn về kế hoạch, giải pháp thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa thời gian tới, phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

-Trong quá trình thực hiện, nhiệm vụ xuất bản sách giáo khoa, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đang gặp phải những khó khăn gì?

-Có rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ biên soạn, xuất bản sách giáo khoa mới. Đó là, việc xây dựng đội ngũ tác giả trong bối cảnh nhiều đơn vị xuất bản cùng tìm kiếm tác giả viết sách giáo khoa nên khó để có được những tác giả tốt. Đây là lần đầu tiên biên soạn sách giáo khoa theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực nên về mặt lý luận còn nhiều quan điểm khác biệt... Vì vậy, chúng tôi đã trải qua rất nhiều cuộc trao đổi, thảo luận để thống nhất hướng triển khai bảo đảm đúng tinh thần đổi mới.

Khó khăn không nhỏ đối với đơn vị còn là thời gian giới thiệu, tập huấn giáo viên về sách giáo khoa mới quá ngắn, tập trung dồn dập vào một vài tháng hè. Để giáo viên nắm bắt và thực hiện đúng những ý tưởng, đổi mới của sách giáo khoa và triển khai trong công tác giảng dạy là việc không dễ dàng. Bên cạnh đó, có môn học phải điều chỉnh thời lượng, chỉnh sửa chương trình dẫn đến phải biên soạn, thẩm định lại bản mẫu sách giáo khoa. Điều này làm phát sinh thêm nhân lực, chi phí và thời gian...

-Để sách giáo khoa mới phát huy hiệu quả tốt nhất, quá trình thực nghiệm sách giáo khoa mới của đơn vị đã được triển khai thế nào, thưa ông?

-Theo lộ trình đổi mới sách giáo khoa, từ năm 2021, mỗi năm nhà xuất bản cùng lúc phải tổ chức biên soạn, trình thẩm định sách giáo khoa mới của 3 lớp thuộc ba cấp học. Cùng với việc biên soạn sách giáo khoa còn có các công tác thực nghiệm, thẩm định, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên.... Kèm theo bản mẫu sách giáo khoa còn phải có thêm hệ thống phụ trợ là sách giáo viên, sách điện tử, thiết bị - học liệu giáo dục... Việc phải hoàn thành tất cả những công việc này cùng lúc trong năm đã tạo áp lực lớn cho nhà xuất bản.

Về thực nghiệm sách giáo khoa, đối với một số môn ngoại ngữ 1,2 như tiếng Nga, Trung, Pháp, Nhật, Hàn, Đức, chúng tôi có gặp một số khó khăn khi thực nghiệm theo đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đối tượng thực nghiệm, địa bàn thực nghiệm do rất ít địa phương tổ chức dạy học các môn học này.

Tài liệu giáo dục địa phương do chưa có đủ các căn cứ pháp lý quy định và văn bản hướng dẫn nên gặp rất nhiều trở ngại trong việc tổ chức đấu thầu biên soạn, in ấn, phát hành, dẫn đến một số lượng lớn bản thảo chưa được xuất bản để đến tay người học.

-Ông có thể chia sẻ thêm về công tác in, phát hành sách giáo khoa được triển khai ra sao?

-Là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật (Luật Doanh nghiệp, Luật Xuất bản) và phải thực hiện nhiệm vụ chính trị với ngành giáo dục. Việc xuất bản, in ấn sách giáo khoa thực hiện theo Luật Đấu thầu. Hiện nay, đối với việc in ấn sách giáo khoa, hàng năm Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phải thực hiện đấu thầu trong việc cung ứng vật tư (giấy in), công in, thùng carton đựng sách. Mỗi gói thầu trung bình phải diễn ra trong khoảng 70 ngày. Do vậy, để bảo đảm tiến độ in ấn và cung ứng sách giáo khoa cho năm học mới, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phải nỗ lực hơn rất nhiều so với các công ty tư nhân làm sách giáo khoa xã hội hoá.

Trên thực tế, để kịp cung ứng đủ sách giáo khoa trước ngày khai giảng, toàn hệ thống Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, làm việc không kể ngày đêm để hoàn thành các công đoạn trong quy trình 8 bước xuất bản sách giáo khoa; thực hiện đấu thầu giấy in, thùng đựng sách, công in theo Luật Đấu thầu; huy động toàn bộ các đơn vị trong hệ thống phát hành của đơn vị và các đối tác để sách in xong kịp đến các địa phương trước khi bước vào năm học mới.

-Theo ông, cần có những cơ chế, chính sách gì để quá trình xã hội hoá sách giáo khoa được hiệu quả?

-Hiện nay, quy định của pháp luật đối với các loại hình doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức xuất bản - in - phát hành sách giáo khoa khác nhau nên tạo nên cơ chế cạnh tranh không bình đẳng. Các doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty cổ phần được quyền chủ động tổ chức sản xuất, chủ động mua sắm vật tư, dịch vụ in trực tiếp mà không phải thực hiện các quy trình, thủ tục đấu thầu như doanh nghiệp nhà nước nên thời gian, tiến độ thực hiện rất ngắn gọn, chủ động, tạo ưu thế cạnh tranh hơn doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước có chế độ, chính sách bình đẳng đối với các nhà xuất bản trong hoạt động xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa.

-Ngành giáo dục cần làm gì để nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của xã hội hóa sách giáo khoa trong đổi mới giáo dục?

-Chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa sách giáo khoa là quan điểm tiến bộ. Sự đột phá này làm thay đổi chất lượng cũng như diện mạo của giáo dục Việt Nam, nên cần quyết tâm, kiên định, vượt khó để triển khai. Vì vậy, phải chủ động tuyên truyền rộng rãi tính ưu việt của chủ trương một chương trình có nhiều sách giáo khoa và những bất cập khi chỉ có một bộ sách giáo khoa. Bên cạnh đó, việc quản lý chuyên môn thực chất phải bằng chương trình chứ không phải là sách giáo khoa. Việc thi cử được thực hiện theo yêu cầu cần đạt của chương trình.

Chương trình là yếu tố tĩnh, sách giáo khoa được hiểu là yếu tố động. Giáo viên lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện, phương pháp giảng dạy để truyền thụ kiến thức cho học sinh. Đây được xem như độ mở sáng tạo cho giáo viên và học sinh, hạn chế dần tình trạng thầy đọc – trò chép, dạy thêm học thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực thực hiện chủ trương xã hội hoá sách giáo khoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.