(HNMO) - Mấy ngày nay, câu chuyện xung quanh việc ùn ứ rác thải trong thành phố dường như đã làm lao xao dư luận. Thật mừng, cho đến thời điểm này, những vướng mắc liên quan đã được lãnh đạo thành phố kịp thời giải tỏa, khu vực tồn đọng rác được dọn dẹp, phong quang trở lại. Tuy vậy, sự việc này còn để lại những điều cần suy nghĩ.
Mấy ngày nay, câu chuyện xung quanh việc ùn ứ rác thải trong thành phố dường như đã làm lao xao dư luận. Thật mừng, cho đến thời điểm này, những vướng mắc liên quan đã được lãnh đạo thành phố kịp thời giải tỏa, khu vực tồn đọng rác được dọn dẹp, phong quang trở lại. Tuy vậy, sự việc này còn để lại những điều cần suy nghĩ.
Trước tiên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn ứ rác không có gì mới, nó xuất phát từ việc một số người dân sinh sống gần Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã căng lều bạt, ngăn không cho xe chở rác vào bãi. Và đây không phải lần đầu tiên người dân có hành động này. Hồi giữa năm 2017, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cũng đã chịu cảnh ùn ứ rác với lý do tương tự.
Ở đây, có thể hiểu được tâm tư của người dân đang sinh sống gần Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn khi cơ quan hữu quan chưa thực hiện kịp thời các chính sách chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đưa người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường từ khu vực xử lý rác. Bởi ngay từ tháng 7-2017, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị chức năng rốt ráo vào cuộc giải quyết các yêu cầu chính đáng của người dân. Đặc biệt là việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định cư để di chuyển các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường.
Nhưng đến nay, một số việc chưa được xử lý dứt điểm cho thấy địa phương còn chưa sát sao, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan thiếu quyết liệt. Để xảy ra việc một số người dân tập trung bày tỏ sự phản ứng là chính quyền cơ sở chưa thực sự bám sát tâm tư, nguyện vọng của người dân. Bởi việc lắng nghe và tích cực giải quyết các nguyện vọng chính đáng của người dân sẽ giúp giải tỏa các bức xúc ngay từ khi nó mới hình thành.
Tất nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng, giải quyết một vấn đề xã hội không thể đơn giản một sớm một chiều như công việc trong nhà của mỗi gia đình. Nó đòi hỏi có sự tham gia, thẩm định, triển khai của nhiều cấp, ngành liên quan; theo những trình tự và quy định của pháp luật. Chính vì thế chỉ khi có sự đồng thuận, tạo điều kiện và cả sự giám sát từ người dân thì chính quyền mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
| ||
Có thể khẳng định, quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo thành phố là luôn coi việc bảo đảm, chăm lo đời sống người dân là nhiệm vụ hàng đầu để Thủ đô phát triển bền vững và sẽ giải quyết ngay những bức xúc, kiến nghị chính đáng của người dân, trong thẩm quyền.
Nhưng, ở vị trí của mình, mỗi người dân cũng cần thể hiện trách nhiệm công dân. Xã hội ngày càng phát triển, việc thay đổi cách nghĩ, có hành vi ứng xử văn minh, tạo thói quen hành động theo pháp luật là điều vô cùng quan trọng. Không nên cứ hễ gặp chuyện bức xúc lại tổ chức tụ tập đông người, vừa mất thời gian, ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe mà còn có thể xảy ra những bất ổn, mất an toàn giao thông, mất trật tự an ninh địa phương.
Những vướng mắc sẽ chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở tôn trọng, lắng nghe nhau. Việc hành động tiêu cực của một số người thực tế ảnh hưởng đến cả một cộng đồng lớn. Trong trường hợp này chính là sự ùn ứ, tồn đọng rác, tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống hằng ngày của hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người dân.
Hà Nội hiện đã xấp xỉ con số 10 triệu dân, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt đã trở thành một thách thức lớn. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn bộ rác sinh hoạt, rác bệnh viện sẽ được xử lý bằng phương pháp đốt, tái sinh năng lượng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân. Thành phố cũng đang quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác ở nhiều điểm để giảm tải cho bãi rác Nam Sơn.
Trong một cuộc đối thoại với người dân xã Nam Sơn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định: “Ngay ở Khu liên hợp xử lý rác Nam Sơn, hiện nay có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Tôi bảo đảm, thời gian tới sẽ có nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt hiện đại ở Nam Sơn”.
Lẽ đương nhiên, để đạt tới các mục tiêu nói trên cũng cần có sự chung tay của người dân. Mỗi người dân là một hạt nhân xã hội về môi trường, tham gia vào việc bảo vệ môi trường.
Cũng cần nói thêm rằng, đứng trước một vụ việc bức xúc, chỉ có sự bình tĩnh mới có thể giúp sớm giải tỏa và không dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Bên cạnh đó, người dân cũng cần hết sức cảnh giác, mọi hành động cần dựa trên cơ sở có hiểu biết pháp luật, nắm vững được bản chất của vấn đề phản biện xã hội; tránh để bị lợi dụng, kích động, vô hình trung vi phạm pháp luật, gây tác động tiêu cực tới cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.