(HNMO) - Thêm nhiều hãng ô tô tuyên bố từ bỏ động cơ đốt trong ngay trong năm 2022 nhằm tập trung vào các sản phẩm điện hóa, trong bối cảnh báo cáo do Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa công bố cho thấy thị phần xe điện toàn cầu tăng hơn gấp đôi trong năm 2021.
Cụ thể, liên minh Nissan - Renault Mitsubishi đã bổ sung khoản đầu tư 26 tỷ USD nhằm bảo đảm năng lực cạnh tranh trong trào lưu ô tô chạy điện. Thực tế, Nissan đã có bước đi đầu tiên trên sân chơi mới rất thành công với mẫu Leaf, nhưng thời gian gần đây đã tụt lại phía sau trước các đối thủ. Trong bối cảnh đó, nhằm nâng cao vị thế trên thị trường, liên minh hợp thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới mong muốn kế hoạch lần này sẽ cho phép giới thiệu ít nhất 35 mẫu xe điện chạy pin ra thị trường từ nay tới năm 2030.
Về phần mình, nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư thế giới Stellantis (hợp thành từ Fiat-Chrysler và Peugoet) cũng công bố kế hoạch “thuần điện” vào năm 2028. Mẫu xe điện đầu tiên mang thương hiệu Chrysler sẽ xuất hiện trên thị trường vào năm 2025 dựa trên Airflow Concept. Từng được trưng bày tại CES 2022, chiếc xe này sở hữu hai mô tơ điện 150kw trên hai trục bánh xe, có thể di chuyển tới 640km/lần sạc.
Bên cạnh sự sôi động trong nhóm sản phẩm phổ thông, trào lưu “xanh” của ngành công nghiệp ô tô cũng đã vươn tới các thương hiệu thể thao - vốn một thời quay lưng lại với các mẫu xe điện trên quan điểm công nghệ này sẽ phá hủy cảm giác lái hứng khởi. Mới nhất, Giám đốc điều hành Lamborghini - Stefan Winkelman thông báo, thương hiệu siêu xe nước Ý sẽ ra mắt chiếc xe chạy xăng cuối cùng - Lamborghini Aventador Ultimate - ngay trong năm 2022, để chính thức bước sang kỷ nguyên điện hóa với các mẫu xe lai (hybrid) và xe thuần điện.
Thực tế, Lamborghini có nhiều thuận lợi khi điện hóa các mẫu xe của mình, khi là công ty con của Audi - mũi nhọn công nghệ điện hóa của gã khổng lồ Volkswagen. Bản thân “bò tót” cũng đầu tư rất nhiều vào sự thay đổi này, với khoảng 1,5 tỷ euro cho quá trình triển khai các hệ truyền động hybrid sạc ngoài - dự kiến có mặt trên đường từ năm 2023.
Động thái của Lamborghini còn cho thấy, khi xu hướng tiêu dùng thay đổi, ngay cả những thương hiệu truyền cảm hứng nhất về động cơ đốt trong cũng phải chuyển mình. Thực tế, “đồng hương” Italia Ferrari cũng đã tính toán hướng đi mới từ lâu. Ferrari mới đây cho biết, sẽ ra mắt mẫu xe thuần điện vào năm 2025, thay vì hứa hẹn “thời điểm nào đó sau mốc 2025” như trước đây. Hiện nay, “ngựa chồm” đã có mẫu xe hybrid thương mại là SF90 Stradale, bên cạnh dòng La Ferrari cao cấp.
Việc nhiều nhà sản xuất ô tô bất ngờ tuyên bố quyết tâm “xanh hóa” dải sản phẩm lúc này là điều dễ hiểu, khi những thống kê về thị trường năm 2021 bắt đầu được công bố, cho thấy sự bùng nổ doanh số của loại hình phương tiện mới. Theo báo cáo của IEA, năm 2021, chứng kiến thị phần ô tô điện toàn cầu đạt 8,57%, tăng hơn gấp đôi con số 4,11% của năm 2020.
Các chuyên gia của IEA cũng đánh giá, tốc độ tăng trưởng ô tô điện trong 3 năm qua là rất ổn định, bất chấp đại dịch Covid-19 và những khó khăn kèm theo. Nếu như năm 2019 chứng kiến 2,2 triệu xe điện bán ra, chỉ chiếm 2,5% doanh số ô tô toàn cầu, con số này đã tăng lên 3 triệu xe trong năm 2020, trước khi “đại nhảy vọt” lên 6,6 triệu xe trong năm vừa qua. Thực tế này cho thấy trào lưu ô tô điện đã thực sự cất cánh.
Trong đó, Trung Quốc - một trong những thị trường ô tô quan trọng nhất thế giới - đã tiêu thụ 3,3 triệu xe điện trong năm vừa qua, tức gần một nửa tổng doanh số ô tô điện toàn cầu. Hiện nay, hãng BYD - với sự hậu thuẫn của tỷ phú Mỹ Warren Buffett - vẫn đang dẫn đầu cuộc chơi mới tại quốc gia đông dân nhất thế giới, với doanh số 603.783 xe, vượt qua Tesla (240.000 xe) ở vị trí thứ nhì.
Về phần mình, Mỹ cùng kỳ đã ghi nhận doanh số ô tô hybrid tăng tới 76%, đạt 434.879 xe; doanh số ô tô thuần điện tăng 83%, đạt 801.550 xe. Doanh số xe hybrid “khủng” còn là tác nhân giúp Toyota lần đầu đánh bại hãng xe Mỹ GM ngay trên sân nhà. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, để ô tô điện thực sự bùng nổ ở Xứ cờ hoa, sẽ cần tới sự góp mặt của các dòng bán tải điện hóa trong thời gian tới.
Tại châu Âu, ô tô điện cũng có bước tiến lớn với doanh số năm 2021 lần đầu vượt qua ô tô sử dụng nhiên liệu diesel - vốn được người dân Lục địa già yêu thích trong nhiều thập kỷ qua. Trong đó, lượng xe hybrid tới tay người dùng đã tăng 60%, chiếm gần 20% thị phần ô tô châu Âu. Xe hybrid sạc ngoài cũng có doanh số tăng 70%, trong khi mức tăng trưởng của xe thuần điện là 63%.
Bên cạnh cơ hội kinh doanh thấy rõ, một động lực khác thúc đẩy các hãng ô tô mạnh dạn bước vào sân chơi mới chính là các biện pháp ưu đãi, kích cầu mà nhiều quốc gia đang và sẽ triển khai dành cho xe điện. Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc vẫn theo đuổi lộ trình chỉ bán xe điện (chạy bằng pin hoặc bằng nhiên liệu hydro) vào năm 2035.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.