(HNM) - Các công ty, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế thường sử dụng một tên tắt phục vụ cho mục đích giao dịch. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, ở Thủ đô có hơn 70.000 doanh nghiệp thì có tới 722 đơn vị bị trùng tên, gây khó cả cho hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác quản lý nhà nước.
Không có quy định về tên tắt
Theo GS-TS Nguyễn Đức Tồn và PGS-TS Vũ Kim Bảng (Viện Ngôn ngữ học), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 về đăng ký doanh nghiệp và Thông tư số 03/2009-TT-BNG ngày 9-7-2009 hướng dẫn dịch quốc hiệu, tên các cơ quan đơn vị và chức danh lãnh đạo, cán bộ công chức trong hệ thống hành chính nhà nước sang tiếng Anh để giao dịch đối ngoại. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định cụ thể về tên viết tắt các tổ chức kinh tế. Do vậy, việc này hiện vẫn tự phát, tùy tiện và không theo quy tắc. Đến nay cũng chưa có chỉ dẫn mang tính khoa học nào giúp các doanh nghiệp, các tổ chức mới ra đời nắm được quy định cơ bản trong việc đặt tên đầy đủ cũng như tên tắt. Cũng chưa có một công cụ tra cứu nào thống kê những tên tắt đã có nhằm giúp doanh nghiệp tránh việc trùng tên. Trên thực tế, tên doanh nghiệp được đặt tùy theo quan niệm và sở thích, vì vậy đã xảy ra tình trạng thiếu nhất quán trong cách đặt tên tắt.
Mới đây, các nhà khoa học của Viện Ngôn ngữ học đã tiến hành tìm kiếm tất cả tổ chức kinh tế (các doanh nghiệp, các công ty, các ngân hàng) có website trên internet. Kết quả khảo sát 1.430 tên tắt của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ cho thấy, tỷ lệ trùng tên tương đối cao. Đơn cử, trong số 825 tên tắt các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương nghiệp và dịch vụ, có tới 82 đơn vị có tên tắt trùng nhau, tương đương khoảng 10%.
Tên tắt các tổ chức kinh tế tại Việt Nam thông thường được rút gọn từ tên đầy đủ bằng tiếng Việt hoặc tên đầy đủ bằng tiếng Anh (chiếm gần như tuyệt đối). Cũng có trường hợp, tên viết tắt là rút gọn của cả tên tiếng Việt lẫn tên tiếng Anh. Theo TS Vũ Kim Bảng, tình trạng tùy tiện, chưa chuẩn hóa trong viết tắt thể hiện khá rõ trong trường hợp cùng một nội dung cần được viết tắt nhưng có nhiều cách viết. Ví dụ, có tới 5 cách viết tắt từ đầy đủ "Việt Nam": vietnam, viet, vi, vina, vn. Cấu trúc của tên tắt cũng không theo các quy tắc chính tả của chữ quốc ngữ. Kết quả khảo sát đã chỉ ra, do không có quy định nên có không ít doanh nghiệp có tên tắt dài tới 30 ký tự.
Giải pháp nào tối ưu?
Theo TS Vũ Kim Bảng, tên tắt không chỉ là tên rút gọn mà có thể là một logo, là tên dùng để giao dịch, là thương hiệu của doanh nghiệp nên phải dễ phát âm, dễ viết. Ví dụ, những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới cũng có những tên tắt rất dễ đọc như Sony, LG, Samsung… Tên tắt phải ngắn gọn, không được quá dài, chứa từ 2 đến 9 ký tự là phù hợp nhất và phải mang hoặc gợi lên một ý nghĩa nào đó. Nhìn vào tên tắt, người đọc có thể đoán ra được tên đầy đủ của công ty, tổ chức. Bên cạnh đó, cần cân nhắc việc đặt tên bằng tiếng Anh hay tiếng Việt; nếu đã đặt tên tắt tiếng Việt thì nên theo cách của tiếng Việt và tương tự đối với tên tiếng Anh.
Để tránh nhầm lẫn giữa các tên viết tắt, các cơ quan nghiên cứu khoa học nên xuất bản sách tra cứu và thường xuyên cập nhật thông tin để liệt kê tên riêng viết tắt nói chung và tên viết tắt các tổ chức chính trị xã hội nói riêng để hạn chế sự trùng lặp. Các cơ quan chức năng nên sớm soạn thảo và đưa ra bộ quy tắc chuẩn mực cho vấn đề tên tắt nói chung và tên tắt các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Nhà nước nên giao cho Viện Ngôn ngữ học tổ chức những nghiên cứu về tên viết tắt một cách quy mô hơn, làm cơ sở cho việc ban hành những văn bản quy định một cách chính thức tên với mục đích sử dụng tên viết tắt như thế nào cho hiệu quả, gần gũi với đông đảo người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.