Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp cần vào cuộc

Nguyễn Mai| 29/11/2010 06:54

(HNM)- Tại các vùng nông thôn đang tồn tại một nghịch lý: lao động thiếu việc làm, có người ly hương kiếm sống ở các đô thị lớn, trong khi đó nhiều làng nghề (LN) lại thiếu lao động hoặc lao động có tay nghề thấp. Hà Nội là


Nghịch lý đào tạo nghề


Đào to ngh mây tre đan cho nông dân huyn Chương M (Hà Ni). nh: Thái Hin


Hà Nội hiện có 1.350 LN được phân bố tại 19 huyện, thị xã, chiếm gần 56% tổng số làng. Trong đó hơn 272 LN đã được công nhận LN truyền thống với hàng chục nhóm ngành nghề như gốm sứ, dệt may, da giày, điêu khắc, khảm trai, thêu ren, sơn mài, mây tre đan, dát vàng bạc, đúc đồng, chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí... Các LN của Hà Nội đã thu hút gần 1 triệu lao động tham gia sản xuất, chiếm hơn 64% tổng số lao động địa phương và chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp toàn thành phố. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực tại các LN còn rất yếu, trong khi đó công tác đào tạo nghề còn nhiều nghịch lý. Tình trạng người dân mất nhiều thời gian, công sức để học nghề nhưng không tìm được việc làm khá phổ biến.

Tại huyện Quốc Oai, ông Nguyễn Đình Xứng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Thời gian qua, nhiều xã trên địa bàn đã nhân cấy nghề mây tre giang đan với kinh phí hàng trăm triệu đồng nhưng đều không thành công bởi rất nhiều lý do như: ngày công lao động thấp, thiếu thị trường tiêu thụ, thiếu nguyên liệu... Nếu phải mua nguyên liệu từ xa về thì giá thành sản phẩm cao, không hấp dẫn khách hàng; thậm chí nếu ký được hợp đồng lớn cũng không xoay xở kịp nguồn nguyên liệu... Còn theo ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, thời gian đào tạo ngắn (3-6 tháng) nên tay nghề người lao động chưa cao, không đáp ứng yêu cầu hàng xuất khẩu. Ở nhiều nơi, thị trường tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều đầu mối trung gian nên lợi nhuận của người sản xuất thấp. Vì vậy lao động không sống được bằng nghề phải bỏ sang làm việc khác. Thực tế, các thợ có tay nghề giỏi thường phải đi nơi khác để tìm kiếm việc làm, trong khi đó ở LN, nhu cầu lao động cần rất lớn. Mặt khác, hầu hết các trường dạy nghề chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy nghề cho lao động LN. Phần lớn các học viên dù đã đạt chuẩn đào tạo tại các trường nghề chính quy cũng gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ khi mới tham gia lao động tại LN. Đào tạo lao động tại các LN chủ yếu là tại chỗ, song việc hỗ trợ đào tạo cả về kinh phí, cơ sở vật chất... lại rất ít và không chuyên sâu.

Doanh nghiệp giữ vai trò then chốt

Mới đây, tại lớp đào tạo nghề đúc tượng đồng cho 40 nông dân phường Thượng Thanh, quận Long Biên, ông Nguyễn Tấn Chỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ Lộc, trực tiếp truyền nghề cho nông dân ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận cho biết: Việc tổ chức dạy nghề, nhất là các nghề tiểu thủ công nghiệp cho nông dân mà thiếu doanh nghiệp (DN) thì hầu hết là thất bại, bởi sản phẩm làm ra không có "đầu ra", nông dân chán, bỏ nghề. Ngược lại, nếu để DN phối kết hợp với cơ quan chức năng cùng dạy nghề cho nông dân thì tỷ lệ thành công là rất cao từ 80-90%. Bên cạnh việc DN hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, mặt khác DN còn có trách nhiệm tạo việc làm ổn định cho người học. Kinh phí thực tế để DN đào tạo nghề cho người lao động thường thấp hơn nhiều so với các lớp học nghề truyền thống trước đây. Ví dụ, để đào tạo nghề đúc tượng đồng bình quân mất khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng, thời gian đào tạo khoảng 3 tháng. Sau khi kết thúc khóa học, tay nghề của người lao động cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất của DN nên sẽ có cơ hội làm việc tại chính DN mình học nghề. Đánh giá sơ bộ thì việc DN đào tạo nghề cho người lao động có thể đem lại lợi ích cho cả 3 phía: người lao động, DN và đơn vị đào tạo.

Thời gian tới, để tạo điều kiện cho DN chủ động nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành giáo dục - đào tạo đã chỉ đạo các trường dạy nghề, nâng cao phương pháp và các điều kiện dạy nghề cho lao động làng nghề. Đối với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, ông Lưu Duy Dần cho biết: Năm 2011, dự kiến Hiệp hội sẽ phối hợp với 62 đơn vị, DN thuộc 20 tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội) để tổ chức dạy 85 loại nghề cho hơn 12.000 lao động. Công tác dạy nghề có sự phối hợp với các ngành chức năng, đặc biệt là "kéo" các DN vào cuộc để tổ chức dạy nghề theo nhu cầu của DN. Có như vậy, nghề mới ăn sâu, bám rễ và tạo ra giá trị giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp cần vào cuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.