Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu?

Lam Giang| 03/12/2021 18:29

(HNMO) - Trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại ngày 3-12, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu. Nhiều gợi ý được đưa ra trong phiên tư vấn để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập tốt hơn tới thị trường tiềm năng này.

Phiên tư vấn tại đầu cầu Bộ Công Thương.

Phát biểu tại phiên tư vấn, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương) cho biết, các nước Bắc Âu là thị trường tiềm năng với hàng hóa Việt Nam, với cơ cấu mặt hàng nhập khẩu phù hợp với khả năng xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, kinh tế Bắc Âu đang trên đà phục hồi sau dịch Covid-19 với nhu cầu tiêu dùng gia tăng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu tới thị trường này.

Đồng tình với nhận định này, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển thông tin, thị trường Bắc Âu (gồm Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Iceland, Đan Mạch) có kim ngạch nhập khẩu rất ấn tượng, ở mức 377 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng ổn định; trong khi tỷ lệ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tới Bắc Âu mới chiếm tỷ lệ chưa đến 1%. Đáng chú ý, hiện các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung khai thác thị trường 7 nước Tây Âu truyền thống như Đức, Hà Lan, Bỉ… 20 thị trường còn lại vẫn bỏ ngỏ.

Cũng theo bà Hoàng Thúy, một số mặt hàng nông sản thực phẩm tiềm năng của Việt Nam có lợi thế xuất khẩu tới thị trường Bắc Âu gồm cà phê, cá (chế biến), tôm, gạo, gia vị, trái cây… với dư địa lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần khai thác lợi thế về thuế để xuất khẩu sang Bắc Âu. Ví dụ như mặt hàng gạo của Thái Lan, Campuchia... chịu mức thuế 65-211 euro/tấn, trong khi gạo Việt Nam thuế bằng 0%. Trên thực tế, hiện gạo Việt Nam đã cạnh tranh tốt hơn tại Bắc Âu, thậm chí có thể thay thế một phần gạo của một số nước không được hưởng ưu đãi thuế tại thị trường Bắc Âu.

Để tăng thị phần tại thị trường Bắc Âu, bà Hoàng Thúy nêu khuyến nghị các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường, phát triển thị trường ngách, xây dựng thương hiệu, nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng, thay đổi hình thức xúc tiến thương mại… Như việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp... rất quan trọng. 

Thị trường Bắc Âu có kim ngạch nhập khẩu ở mức 377 tỷ USD/năm.

Còn ông Diệp Văn Tỷ, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Thụy Điển cũng cho biết, gạo, phở, bún mì, rau củ… được thị trường Bắc Âu tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên, thị trường này đòi hỏi cao về chất lượng, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường này cần giữ ổn định nguồn hàng, giá cả, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ đúng các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết…

Cũng tại phiên tư vấn, các chuyên gia, tham tán thương mại đã cung cấp thông tin chi tiết về cơ hội thị trường cho từng nhóm sản phẩm, biện pháp hữu hiệu chiếm lĩnh các thị trường mục tiêu, các vấn đề thanh toán, giao nhận, vận tải, bảo hiểm hàng hóa… khi xuất khẩu tới thị trường Bắc Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.