Thông xe kỹ thuật dịp cận Tết, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - một trong những đoạn đường có mức đầu tư kỷ lục - đã góp phần giảm áp lực giao thông cho đường Xuân Thủy, Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Dự án đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài được thông xe kỹ thuật vào dịp cận Tết Ất Mùi, có tổng mức đầu tư hơn 969 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng hơn 680 tỷ đồng, xây lắp hơn 79 tỷ đồng. Chiều dài toàn tuyến là 565,97 m.
Điểm đầu tuyến là ngã tư giao cắt đường Nguyễn Văn Huyên - Nguyễn Khánh Toàn. Điểm cuối tuyến giao với đường Cầu Giấy. Vỉa hè hai bên rộng 8 m đang được hoàn thiện.
Tuyến đường đang hoàn thiện các hạng mục như vỉa hè, hệ thống thoát nước, cây xanh, hào kỹ thuật... Đèn chiếu sáng ở dải phân cách giữa được sơn màu bắt mắt.
Cây xanh và thảm cỏ sẽ được phủ lên dải phân cách giữa trong thời gian tới.
Hệ thống cống thoát nước đang được lắp đặt.
Quá trình chờ đường hoàn thiện, nhiều gia đình phải bắc thang vào nhà. Theo chủ đầu tư, những hạng mục còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 4/2015. Dự án thu hồi 28.986 m2 đất của 231 hộ gia đình, 14 tổ chức và 179 ngôi mộ thuộc 2 phường Quan Hoa và Dịch Vọng. 194 căn hộ tái định cư được phê duyệt tại tòa nhà NO2 Tây Nam Đại học Thương Mại. Giá đền bù cao nhất ở dự án này là 75 triệu đồng/m2 với mặt đường Cầu Giấy, thấp nhất khoảng 20 triệu đồng/m2, có nhà được đền bù 20 tỷ đồng.
Sau khi bị thu hồi đất, nhà bà Nguyễn Thị Lan ở cạnh nhà văn hóa phường Quan Hoa, Cầu Giấy, còn vẻn vẹn 17 m2, không có nhà vệ sinh, nhà tắm. Theo quy định, những ngôi nhà có diện tích nhỏ như thế này không được phép xây dựng.
Mặt đường sau khi thông xe thấp hơn tầng trệt các nhà bên đường khoảng một mét.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Mạnh Hà, Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng với giao thông trong quận nói riêng và thành phố nói chung, góp phần giảm thiểu ùn tắc giờ cao điểm trên một số tuyến phố huyết mạch, giảm thời gian lưu thông, công sức của người và các phương tiện.
Ông Hà cho biết thêm, phần lớn trong 969 tỷ đồng đầu tư tuyến đường là kinh phí của quận, trong đó có hơn 200 tỷ quỹ dự phòng chưa sử dụng tới. “Tuy nhiên, đây chưa phải là con đường đắt nhất vì trên địa bàn có dự án vành đai 2 đang thi công, số tiền đền bù giải phóng mặt bằng/m2 cũng tương tự, có đoạn lên tới 75 triệu đồng/m2”, ông Hà nói và cho biết thêm đây là con số tạm tính do chưa có quyết toán.
Trước đó, tại Thủ đô, một số tuyến đường đã hoàn thành với giá cao kỷ lục, thậm chí tới 1,3 tỷ đồng/1 m như đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu với tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng/545 m; Tuyến Trần Phú kéo dài 225 tỷ đồng/450 m, hay tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa 733 tỷ đồng/1.500 m.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.