(HNM) - Khói bụi, tiếng ồn, nước thải xả thẳng ra môi trường, gây hư hỏng đường... là hệ lụy từ những trạm trộn bê tông chưa đủ điều kiện hoạt động, thiếu hồ sơ pháp lý đang tồn tại hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội. Điều đáng nói, ở một số nơi, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đều đổ trách nhiệm cho nhau nên khó xử lý, dẫn đến tình trạng vi phạm vẫn tồn tại.
Hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm… đều đang tồn tại nhiều trạm bê tông không đủ điều kiện hoạt động. Đơn cử, tại thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) có trạm trộn bê tông của Công ty cổ phần Sản xuất bê tông Sông Hồng. Trạm trộn này trước phục vụ Dự án quốc lộ 5 kéo dài và Dự án cầu Nhật Tân. Cuối năm 2016, mặc dù các dự án này đã hoàn thành, trạm phải dừng hoạt động, nhưng sau đó vẫn sản xuất bình thường.
Trước tình hình đó, ngày 5-6-2017, UBND huyện Đông Anh đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 6393/QĐ-XPVPHC với mức 77 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó trạm trộn bê tông này vẫn hoạt động không phép.
Tại địa bàn huyện Hoài Đức, trạm trộn bê tông của Công ty cổ phần Licogi 12.1 đặt tại Cụm công nghiệp Lại Yên, xã Lại Yên đã có hành vi xả nước thải công nghiệp ra môi trường, gây bụi bẩn, tiếng ồn. Điều đáng nói, theo anh Nguyễn Chiến Thắng, người dân xã Lại Yên, hàng chục xe chở bê tông tươi di chuyển qua đường Lại Yên để ra tỉnh lộ 422 (qua huyện Hoài Đức) rơi vãi xuống đường, gây tắc nghẽn giao thông. Tương tự, trạm trộn của Công ty cổ phần Kinh doanh vật liệu và xây dựng BHP cũng vận chuyển, đổ bã bê tông và xả nước thải sản xuất ra phần khu đất của Khu đô thị Bắc An Khánh mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Thanh Trì, Gia Lâm, quận Hoàng Mai, Tây Hồ... cũng tồn tại những trạm trộn bê tông thiếu các thủ tục pháp lý về giấy phép, môi trường.
Tìm giải pháp xử lý dứt điểm
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trước đây lực lượng thanh tra của Sở thường xuyên kiểm tra, ban hành văn bản đôn đốc các địa phương xử lý dứt điểm vi phạm. Tuy nhiên, từ ngày 18-3-2019, căn cứ Quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, UBND cấp quận, huyện, thị xã là cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các vi phạm trật tự xây dựng nói chung, các trạm trộn bê tông nói riêng.
Như vậy, thẩm quyền xử lý đã được quy định thuộc trách nhiệm của các địa phương. Tuy nhiên, lãnh đạo một số xã đều nêu những khó khăn nhất định nên chưa thể xử lý kịp thời. Theo ông Đỗ Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Lại Yên, địa bàn xã có 5 trạm trộn bê tông nhưng đều thiếu hồ sơ pháp lý, gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử như Công ty cổ phần Kinh doanh vật liệu và xây dựng BHP, mặc dù xã đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn một năm nay, nhưng đơn vị này không chịu nộp tiền, cũng không lập báo cáo quan trắc môi trường định kỳ, không ký hợp đồng thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại...
Trong khi đó, trên địa bàn huyện Đông Anh có 9 trạm bê tông tái hoạt động mặc dù không có giấy phép, trong đó có 3 trạm trước đây đã tự phá dỡ công trình sai phạm, 6 trạm còn lại vẫn chây ỳ mặc dù đã có quyết định xử phạt, cưỡng chế của UBND huyện. Theo ông Nguyễn Lê Hiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh, việc để xảy ra tái phạm là do chính quyền xã thiếu kiên quyết trong xử lý, cũng không báo cáo kịp thời với UBND huyện.
Còn ông Phùng Bá Nhân, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức cho biết, địa bàn huyện có 9 trạm trộn bê tông đủ điều kiện hoạt động hoặc chờ bổ sung hồ sơ. Tuy nhiên, các trạm này vẫn vi phạm xả thải ra môi trường, gây tiếng ồn, bụi bẩn, ảnh hưởng giao thông và sinh hoạt của người dân. Giải pháp hiện nay là UBND huyện tiếp tục yêu cầu các đơn vị tăng tần suất quét hút bụi, rửa đường tại các tuyến đường. Nếu các đơn vị không chấp hành các quy định về vệ sinh môi trường, địa điểm thuê đất, UBND huyện sẽ kiến nghị với sở, ngành liên quan xem xét rút giấy phép hoạt động, có thể đề xuất tháo dỡ các trạm này.
Thực tế cho thấy, để xử lý dứt điểm các trạm trộn bê tông không phép, vi phạm các điều kiện về môi trường, tránh tình trạng vi phạm lặp đi lặp lại, cần sự vào cuộc đồng bộ, kiên quyết, thường xuyên của chính quyền địa phương và các lực lượng thanh tra xây dựng, tài nguyên và môi trường, công an… Bên cạnh đó, phải có thêm nhiều biện pháp khác song hành. Ví dụ, việc yêu cầu các công trình xây dựng trên địa bàn không ký hợp đồng tiêu thụ bê tông đối với những trạm trộn không đủ điều kiện hoạt động của UBND quận Hoàng Mai cũng là một cách làm hay. Nếu không, tình trạng xã, phường nói "khó"; còn quận, huyện lại đổ cho xã, phường phải chịu trách nhiệm... sẽ còn tiếp diễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.