(HNM) - Tạm gác lại những căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản với hai quốc gia khu vực Đông Bắc Á, Thủ tướng Shinzo Abe vừa có chuyến công du ba ngày tới Ấn Độ với nhiều thành công.
Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc kể từ khi trở lại nắm quyền hồi cuối năm 2012. Với sự tháp tùng của đông đảo doanh nghiệp, chuyến thăm của Thủ tướng S.Abe đã mở ra nhiều triển vọng hợp tác góp phần định hình một liên minh mới khi các cường quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng tại Châu Á - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Manmohan Singh (phải) và Thủ tướng Shinzo Abe tại New Delhi. |
Một trong những kết quả nổi bật của chuyến thăm, được thống nhất trong cuộc gặp ở New Delhi giữa Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh với người đồng cấp S.Abe là việc hai nước nhất trí tiến hành một cuộc diễn tập hải quân ba bên với Mỹ. Đây sẽ là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản tham gia vào cuộc diễn tập chung với hải quân Mỹ và Ấn Độ kể từ khi Tokyo quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo chính thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi năm 2012. Hai nhà lãnh đạo còn khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác về hải quân, như triển khai cuộc tập trận song phương và một cuộc họp vào tháng 3 tới về đề xuất Nhật Bản đưa các thủy phi cơ sang Ấn Độ tham gia hoạt động tìm kiếm cứu hộ. Qua đó, Nhật Bản cũng đẩy mạnh việc bán thủy phi cơ ShinMaywa US-2 cho quân đội Ấn Độ. Các máy bay trên không mang vũ khí, vì vậy sẽ không vi phạm lệnh cấm hiện hành về xuất khẩu vũ khí của Tokyo. Theo các nhà phân tích, với việc Thủ tướng S.Abe tuyên bố muốn xem xét lại lệnh cấm này, một thỏa thuận như vậy có thể mở ra cánh cửa cho việc bán vũ khí quân sự cho Ấn Độ, một nhà nhập khẩu vô cùng tiềm năng.
Bất chấp những tác động do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế mới nổi có số dân lớn thứ hai thế giới (gần 1,3 tỷ người) vẫn đạt tăng trưởng cao. Đây là một trong những lý do khiến Nhật Bản đặt trọng tâm vào mối quan hệ với quốc gia Nam Á. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, xứ Phù Tang có thể xây dựng các động lực tăng trưởng mới tại Ấn Độ bằng việc tận dụng nhiều cơ hội kinh doanh trên thị trường có sức mua lớn thứ tư trên thế giới này. Không những thế, Ấn Độ cũng phát triển rất nhanh về công nghệ thông tin truyền thông, hàng không vũ trụ cũng như các lĩnh vực khoa học, công nghệ khác. Điều này cho thấy sự hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Là nhà đầu tư lớn thứ tư vào Ấn Độ khi tham gia xây dựng hành lang công nghiệp Delhi - Mumbai trị giá 90 tỷ USD, từ lâu Ấn Độ xem Nhật Bản là đồng minh kinh tế quan trọng. Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn cải thiện tình hình xuất khẩu công nghệ và các thiết bị cơ sở hạ tầng sang quốc gia Nam Á. Trong bối cảnh Ấn Độ đang tìm kiếm khoản cho vay 1.000 tỷ USD trong vòng 5 năm để nâng cấp cơ sở hạ tầng trong nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc Thủ tướng S.Abe công bố các khoản vay trị giá 2 tỷ USD cho Ấn Độ chủ yếu nhằm giúp cung cấp tài chính cho một dự án mở rộng đường tàu điện ngầm tại thủ đô New Delhi là sự kiện đáng quan tâm. Việc hai nhà lãnh đạo nhất trí hoàn tất một khảo sát chung vào năm 2015 về chủ trương áp dụng công nghệ của Nhật Bản vào một dự án tàu cao tốc giữa hai thành phố Mumbai và Ahmadabad ở miền Tây Ấn Độ cũng là một bằng chứng cho thấy quyết tâm thắt chặt mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Có thể nói, chuyến thăm 3 ngày của Thủ tướng S.Abe đã đánh dấu một giai đoạn mới trong mối quan hệ đối tác ngày càng chặt chẽ giữa Nhật Bản và Ấn Độ. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng khắp Châu Á, sự kiện hai nền kinh tế lớn của châu lục xích lại gần nhau đã phát đi những tín hiệu tích cực và cho thấy một xu thế hợp tác mới có ý nghĩa cân bằng cán cân quyền lực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.