(HNM) - Một mối quan hệ đối tác kinh tế kiểu mới vừa được thiết lập giữa đất nước Mặt trời mọc và xứ sở Sương mù. Đây là kết quả đạt được trong chuyến thăm ngày 10-1 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thủ đô London và gặp gỡ người đồng cấp Anh Theresa May.
Với sự hiện diện của hơn 1.000 doanh nghiệp, với tổng số vốn đầu tư hơn 46 tỷ bảng từ lĩnh vực ngân hàng đến sản xuất, kỹ thuật, Nhật Bản có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế xứ sở Sương mù trong vài thập kỷ qua. Trong đó, ngành sản xuất ô tô hiện chiếm một nửa sản lượng của Anh. Các công ty Nhật Bản bảo đảm việc làm và mức lương xứng đáng cho hàng trăm nghìn lao động bản địa.
Trong khi đó, nước Anh với tư cách là một trong những trung tâm tài chính toàn cầu lại có sức hút với doanh nghiệp xứ Hoa anh đào bởi hàng loạt yếu tố cạnh tranh như sự ổn định về chính trị và kinh tế, thị trường lao động linh hoạt với trình độ chuyên môn cao, ngôn ngữ kinh doanh quốc tế, quan hệ công nghiệp hài hòa...
Thủ tướng Nhật Bản S.Abe khẳng định ủng hộ Chính phủ của Thủ tướng Anh T.May đạt thỏa thuận Brexit với EU. |
Khả năng tiếp cận mà không có trở ngại với liên minh thuế quan và thị trường EU là yếu tố hấp dẫn khiến Anh giữ chân các doanh nhân Nhật Bản. Tuy nhiên, một số công ty hàng đầu xứ Phù tang cảnh báo, việc xứ sở Sương mù rời "mái nhà chung EU" mà không có thỏa thuận sẽ là thảm họa khi vai trò kết nối và tính ổn định của thị trường đã không còn.
Do đó, với mục tiêu bảo vệ lợi ích doanh nghiệp Nhật Bản đang có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Anh, Brexit trở thành chủ đề được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản kêu gọi người đồng cấp Anh làm những gì có thể để tránh xảy ra Brexit mà không có thỏa thuận cụ thể. Vì thế, hai thủ tướng nhất trí cho rằng, việc ký kết một thỏa thuận với Brussels vẫn là ưu tiên hàng đầu của London.
Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Nhật Bản - EU sẽ có hiệu lực vào tháng 2 tới, nhưng nước Anh lại không thể tham gia, hai bên cũng đã hướng tới những giai đoạn hợp tác mới với việc xem xét các cam kết, thỏa thuận thay thế hiệu quả khác.
Trong đó, việc tăng cường các hoạt động trao đổi kinh tế giữa hai nước và khả năng tham gia của London trong Hiệp định Thương mại tự do Nhật Bản - Anh và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có ý nghĩa quan trọng.
Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò và thịt cừu từ Anh sau hơn 2 thập kỷ ngay trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng S.Abe đã phần nào thể hiện thiện chí của Tokyo. Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng để bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa.
Các chuyên gia nhận định, mối quan hệ Anh - Nhật Bản là ví dụ điển hình cho việc tận dụng thành công những tác động của quá trình toàn cầu hóa, trong một thế giới mà sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng. Nhật Bản từ lâu đã coi Anh là một trong những nhân tố giúp bảo đảm sự cân bằng quyền lực tại Đông Á và thúc đẩy bước tiến hòa bình tại khu vực.
Trong khi đó, sự ủng hộ của Tokyo dành cho thỏa thuận Brexit mang ý nghĩa lớn đối với Chính phủ của Thủ tướng T.May vào thời điểm đầy khó khăn và thử thách hiện nay. Sự hỗ trợ mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng chính là những yếu tố giúp định hình tương lai của mối quan hệ hợp tác này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.