(HNMCT) - Được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1844, trải qua 3 lần xây dựng và trùng tu, ngày nay đình Bình Thủy (hay Long Tuyền cổ miếu) nằm trên địa bàn phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, xứng đáng là một “kiệt tác” bên dòng Long Tuyền.
Tọa lạc trong khuôn viên rộng 4.000m2 với cây cối xanh tốt, trước mặt (phía Đông) là con rạch Bình Thủy (hay rạch Long Tuyền), phía Bắc giáp sông Hậu, phía Nam sát đường Lê Hồng Phong, phía Tây giáp khu dân cư đông đúc, đình Bình Thủy hội tụ đầy đủ các yếu tố của một vị trí đặc biệt theo quan niệm phong thủy xưa: “Nhất cận giang, nhì cận quan, tam cận thị”. Đình là nơi thờ các vị thần linh, Bổn Cảnh Thành hoàng và những bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, lập làng xã, dạy nghề cho dân hay những người có công với nước như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đinh Công Tráng, Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa, Võ Huy Tập.
Với lối kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa Nam Bộ, trải qua hơn một thế kỷ, đến nay đình Bình Thủy hầu như vẫn giữ gìn nguyên vẹn những nét tinh hoa trong các mảng chạm trổ hoa văn trên hệ thống nội thất trang trí, đồ thờ. Sự độc đáo của đình Bình Thủy còn được thể hiện ở các công trình xung quanh khu đình chính, gồm 4 miếu thờ 4 vị thần: Thần Nông, thần Hổ, thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước. Đây là sự khác biệt hiếm thấy ở các công trình thờ tự khác trên địa bàn cả nước.
Khu đình chính được cất trên nền đất cao ráo, có chiều sâu, nhà trước và nhà sau đều là hình vuông, mỗi chiều đều có 6 hàng cột to, trơn, hơi choãi. Bên trong đình, hệ thống ban thờ được bố trí hợp lý: Tòa tiền đường là bàn thờ Nghi hạ, gian giữa là bàn thờ Nghi trung, nhà vuông nhỏ phía sau đặt bàn thờ Nghi thượng - nơi làm lễ chính trong các ngày lễ hội. Ngăn cách các gian thờ với lối đi hai bên là những hàng cột được chạm khắc các họa tiết hình rồng, hoa mẫu đơn... tinh xảo, đầy phóng khoáng. Cùng với đó là hệ thống câu đối, hoành phi, bức võng với các hoa văn truyền thống như: Long, phụng, hoa cúc, hoa mai... khiến cho không gian của ngôi đình càng trở nên cổ kính, linh thiêng và đầy tính thẩm mỹ.
Phía bên ngoài, ngôi đình được xây theo kiểu chữ “Nhất”. Nhà trước gồm hai mái, chính điện gồm ba mái xây chồng lên nhau theo kiểu “thượng lầu, hạ hiên”. Trên nóc đình có gắn tượng đôi rồng tranh châu, tượng người, kỳ lân, cá hóa rồng, cuốn thư cùng các vật linh... Mặt trước đình là các cột xi măng trang trí hoa lá đắp nổi tinh tế.
Với những giá trị quý báu ấy, năm 1989 đình Bình Thủy đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.