Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều kiện đủ để... từ chức

Hoàng Thu Vân| 04/11/2014 05:56

(HNM) - Chiều 3-11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, từ chức là văn hóa của cán bộ, khi không hoàn thành nhiệm vụ, việc từ chức là bình thường.

Chắc hẳn ý kiến trên sẽ nhận được sự đồng tình cao của dư luận xã hội.

Với nhiều nước trên thế giới, việc từ chức không phải là chuyện hiếm. Lấy ví dụ, cuối tháng 4-2014, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong - won đã đệ đơn từ chức vì vụ chìm phà Sewol khiến cho gần 300 người tử vong hoặc mất tích. Hành động đó đã khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, nhưng ông Chung Hong - won giãi bày: "Tôi cho rằng, tôi - với tư cách là Thủ tướng, rõ ràng là phải chịu trách nhiệm và phải từ chức". Tương tự, một nữ bộ trưởng của Nhật Bản đã từ chức khi có thông tin sai phạm trong bầu cử; một vị bộ trưởng của Mỹ từ chức khi có liên quan tới một vụ tai nạn giao thông...

Tại Việt Nam không phải không có những vụ việc, sự cố xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Dù rằng khi cơ quan điều tra vào cuộc bao giờ cũng có phần làm rõ nguyên nhân xảy ra sự việc. Song, thật đáng ngạc nhiên là rất khó quy kết trách nhiệm cho từng cá nhân cụ thể. Tại sao? Lý giải của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phần nào làm rõ vấn đề này: "Tôi chỉ đứng đầu Bộ Tư pháp. Tư pháp ở địa phương không phải do tôi quản lý, việc pháp chế ở các bộ không phải do tôi quản lý. Tôi nói nhưng họ có làm hay không là một câu chuyện khác". Như vậy có thể thấy việc phân cấp, phân quyền của chúng ta là chưa rạch ròi, vì vậy ở từng cấp, từng vị trí chức danh chưa có quyền hạn toàn vẹn và chịu trách nhiệm toàn vẹn. Rồi sự rạch ròi giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể, nhiều khi từng vị trí công tác phải thực hiện quyết định của một người khác, thậm chí thực hiện quyết định của cả một tập thể. Do đó cũng khó có thể quy kết trách nhiệm cá nhân...

Trở lại với suy nghĩ: "Từ chức là văn hóa của cán bộ khi không hoàn thành nhiệm vụ". Đó có thể là việc bình thường, song để thực hiện việc bình thường đó cần phải phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng vị trí chức danh. Như vậy mới có thể đánh giá được hiệu quả công việc của từng người và bản thân từng cá nhân mới rõ ràng đâu là nhiệm vụ của mình. Để "quả bóng" trách nhiệm không bị "bay" lơ lửng và không bị đẩy qua đẩy lại, chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí, chức danh phải được quy định rõ và được luật hóa, tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ phải được xây dựng cụ thể. Đây chính là lý do quy định về việc từ chức dù đã đưa vào Luật Cán bộ công chức từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa có cán bộ nào từ chức, dù cũng đã có những sai phạm trong từng vụ việc, sự cố cụ thể.

Cũng về vấn đề trên, tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trong phiên thảo luận về kết quả giám sát Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chỉ ra một điểm mà tái cơ cấu còn bỏ ngỏ, đó là tái cơ cấu bộ máy và tái cơ cấu trách nhiệm. Như đã phân tích, ý kiến này không phải không có cơ sở xác đáng. Vậy nên, trong khi chúng ta đang quyết liệt đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thì rất cần hoàn thiện việc quy định bằng pháp luật chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí, chức danh. Đó chính là nền tảng để cán bộ thể hiện và phát huy năng lực, tinh thần trách nhiệm trong công việc, đồng thời có chuẩn mực để "tự soi" theo những tiêu chí cụ thể. Như thế mới đủ... điều kiện để thể hiện văn hóa từ chức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều kiện đủ để... từ chức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.