(HNM) - Sáng 14-4, tại TP Vũng Tàu, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Nhiều vấn đề lo ngại về việc điều chỉnh giá sẽ tác động đến đời sống người dân đã được phân tích, mổ sẻ ngay tại hội nghị này.
Ai sẽ bị tác động?
Phát biểu tại hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) khẳng định: "Điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhằm phục vụ cho mục đích toàn dân, mang lại lợi ích cho người nghèo và người tham gia BHYT". Cụ thể, về mặt tích cực 23,7 triệu người gồm người nghèo, đồng bào dân tộc sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn như: Xã đảo, biên giới, người có công với cách mạng và thân nhân của họ; trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được Nhà nước cấp BHYT miễn phí và được thanh toán 100% giá dịch vụ y tế. Tuy nhiên, hiện nay nước ta còn có 40% người cận nghèo chưa có BHYT. Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, đây sẽ là đối tượng bị tác động đầu tiên. Ông Nguyễn Nam Liên thừa nhận, sự điều chỉnh sẽ có tác động đến hộ cận nghèo, nhưng không nhiều. Riêng với chính sách điều chỉnh giá dịch vụ, thiệt thòi lớn nhất thuộc về đối tượng không có BHYT. Hiện nước ta có hơn 30% người dân chưa tham gia BHYT sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Ảnh: Sơn Hà |
Theo lộ trình đến năm 2018, giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh và thống nhất đồng giá dịch vụ theo xếp hạng bệnh viện trên toàn quốc. Hiện tại, theo quy chuẩn xếp hạng bệnh viện của Bộ Y tế có 5 hạng gồm: hạng đặc biệt và các hạng 1, 2, 3, 4. Tuy nhiên, hiện nay mức phí giữa các bệnh viện cùng hạng chưa đồng nhất. Đơn cử, như tất cả các bệnh viện hạng 1, 2 của các tỉnh lân cận đều cao hơn so với bệnh viện cùng hạng tại TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là địa phương cuối cùng của cả nước thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhưng điều chỉnh chỉ ở mức 65% - 70% khung giá quy định của Bộ Y tế. Theo ông Tất Thành Cang - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, việc TP Hồ Chí Minh chưa triển khai điều chỉnh đồng loạt vì không muốn tác động đến đời sống người dân, nhất là đối tượng không tham gia BHYT.
Rõ ràng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế một phần có lợi cho bệnh nhân tham gia BHYT, tuy nhiên với các đối tượng chưa thể tham gia BHYT sẽ bị tác động không nhỏ.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Tại hội nghị, nhiều cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi: Điều chỉnh giá dịch vụ y tế liệu có nâng cao được chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh? Trả lời vấn đề này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: " Điều chỉnh giá dịch vụ y tế kích cầu người dân tham gia BHYT, hướng tới 100% người dân Việt Nam có BHYT sẽ không còn sự phân biệt đối xử giữa bệnh nhân khám chữa bệnh theo bảo hiểm và bệnh nhân khám chữa bệnh dịch vụ. Mặt khác, điều chỉnh giá dịch vụ y tế tạo tiền đề cho việc xã hội hóa ngành y, buộc các bệnh viện tự chủ tài chính phải tự nâng chất lượng khám chữa bệnh để thu hút bệnh nhân". Theo khảo sát của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, khi triển khai điều chỉnh giá dịch vụ một số bệnh viện thì mức độ hài lòng của bệnh nhân tăng lên. Trong đó các mặt tích cực như rút gọn thời gian khám bệnh, thay đổi thái độ ứng xử với người bệnh là đáng ghi nhận nhất. Phiếu điều tra bệnh nhân nội trú tại các bệnh viện tuyến quận đứng đầu về mức độ hài lòng là Bệnh viện Quận 8, Quận 1, Quận 2. Tại các bệnh viện tuyến quận như Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Y học cổ truyền dành được mức độ hài lòng cao.
Tuy nhiên, ông Lương Ngọc Khuê cũng khẳng định, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên các hệ thống bệnh viện toàn quốc cần có một lộ trình dài. Bắt đầu từ năm 2013, Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp đổi mới về mặt quản lý, đổi mới phương pháp, nỗ lực tập trung giảm tải bệnh viện. Những dấu hiệu tích cực như 58% bệnh viện tuyến trung ương trước đây có tình trạng quá tải, nằm ghép đã có xu hướng giảm số khoa có tình trạng này; 33 bệnh viện tại Hà Nội và 18 bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh cam kết không để bệnh nhân nằm ghép. Ngoài ra, quy trình khám bệnh trước đây từ 10 đến 12 bước, nay được Bộ Y tế rút gọn còn 6 bước, rút ngắn 50 phút thời gian đợi chờ cho bệnh nhân. Theo lộ trình đổi mới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ y tế, nâng cao năng lực cho bệnh viện tuyến dưới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.