Theo dõi Báo Hànộimới trên

”Điểm mặt, chỉ tên” lãng phí

Nữ Quỳnh| 21/09/2013 05:56

(HNM) - "Tôi đi một số tỉnh, thấy có trụ sở rộng mênh mông như công viên. Vậy chuẩn mực đối với đất cho trụ sở thế nào? Trụ sở là nơi phục vụ nhân dân chứ không phải cung điện, không phải nơi tham quan" - Đó là phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tại phiên họp của UBTV Quốc hội chiều 19-9. Thông tin này đã được nhiều tờ báo đăng tải và gây tác động khá mạnh trong dư luận.

Có thể nói, việc xây trụ sở cơ quan khang trang là cần thiết, vì dù sao đó cũng là bộ mặt của chính quyền địa phương. Vấn đề ở đây là việc đầu tư thái quá ở một số địa phương đang gây ra những phản cảm, làm thất thoát, lãng phí nguồn ngân sách. Thậm chí thất thoát còn nghiêm trọng hơn cả tham nhũng.

Lâu nay, dư luận cũng "điểm mặt, chỉ tên" khá nhiều những biểu hiện của tệ lãng phí. Tuy nhiên, việc này vẫn chỉ như "đá ném ao bèo", bởi dường như điều mà dư luận luôn mong muốn là thái độ ứng xử quyết liệt của các cấp quản lý thì lại chưa tới nơi tới chốn. Ngay cả đại biểu Ksor Phước, người đại diện cho cử tri, có tiếng nói trực tiếp tại Quốc hội, khi đưa ra những thông tin trên vẫn phải nói rằng: "Tôi không tiện nêu đích danh".

Phải chăng chính sự "ngại ngần" ấy đang tồn tại ở hầu hết các cấp quản lý đã trở thành môi trường tốt để lãng phí tồn tại? Chúng ta có Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, và thực tiễn áp dụng luật cũng đã có những kết quả nhất định. Trong nửa đầu năm nay, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiết kiệm được hơn 16.000 tỷ đồng. Thế nhưng, xem ra con số tiết kiệm được vẫn còn quá thấp so với những sự hoang phí "ai cũng có thể thấy" từ nhiều dự án nhưng lại chưa có thống kê cụ thể. Lãng phí có ở nhiều nơi, nhưng chúng ta vẫn chưa thể "điểm mặt, chỉ tên" từng dự án, từng công trình, hay từng khoản chi phí bất hợp lý. Nhiều năm qua, hầu như năm nào Quốc hội cũng bàn đến vấn nạn này, nhưng thực trạng vẫn chưa được cải thiện.

Đã đến lúc cần phải có những chính sách cụ thể, có tổ chức giám sát nghiêm ngặt, để từ đó chỉ ra được địa chỉ lãng phí, chỉ rõ ngành nào, cấp nào, địa phương nào có lãng phí, thất thoát bao nhiêu (?); chỉ rõ từng loại lãng phí, từng hành vi gây lãng phí. Chẳng hạn với việc xây dựng trụ sở, cần phải có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn, định mức đầu tư; nên xem xét việc tập trung các cơ quan công quyền vào một khối. Thực tế hiện nay ở nhiều địa phương vẫn tràn lan tình trạng mỗi cơ quan một trụ sở, ngân sách đầu tư xây dựng nhiều hơn, chi phí vận hành nhiều hơn, trong khi ở đó có những hội trường, những hạng mục mỗi năm chỉ sử dụng một vài lần. Xây dựng các khu hành chính tập trung, sử dụng chung một số hạng mục, vừa thuận tiện cho dân lại có thể tiết kiệm được những khoản tiền đáng kể.

Ngoài ra, việc chỉ ra được đích danh và công khai thông tin về lãng phí, gắn trách nhiệm với người đứng đầu để xảy ra lãng phí chắc chắn sẽ làm cho công tác xử lý nhanh và hiệu quả hơn, có tính răn đe hơn. Tránh tình trạng người tiết kiệm thì không được khen, người vi phạm cũng chẳng rõ trách nhiệm và không bị xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
”Điểm mặt, chỉ tên” lãng phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.