Tài chính

Cả nước tiết kiệm khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên trong năm 2024

Tiến Thành 05/11/2024 11:15

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện lại việc tiết kiệm chi trong đầu tư công.

Sáng 5-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.

thaoluan1.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Quan tâm việc sử dụng vốn đầu tư công và đầu tư cho giáo dục, y tế

Thảo luận ở hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đầu tư về cơ sở vật chất trên lĩnh vực giáo dục, y tế còn hạn chế...

“Nếu thực hiện tự chủ, băn khoăn lớn nhất của các bệnh viện hay trường đại học công lập là phải trả khoản tiền vay lãi suất cho ngân hàng khi đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Điều này khiến các bệnh viện và trường đại học phải tăng viện phí hoặc học phí cao lên. Do đó, người bệnh, người học phải chi trả phí dịch vụ cao”, đại biểu nói.

Với thực tế nêu trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, cần tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cho hai lĩnh vực y tế và giáo dục, ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu. “Sau khi đầu tư xong thì cơ quan quản lý nên giao cho các trường, bệnh viện thực hiện tự chủ phải tự tính để tái đầu tư và tự lo chi thường xuyên. Như vậy, người bệnh, người học sẽ không phải chi trả phí dịch vụ cao...”, đại biểu nói.

thaoluan3.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước không tăng, thậm chí giảm so với dự toán, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh tăng. Theo đại biểu, nguyên nhân chủ yếu là do Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp chưa phù hợp, cần sửa đổi, hoàn thiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn.

Từ phân tích trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là thuế nhập khẩu. Đồng thời, tiếp tục chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công, đất công, vốn nhà nước; xem xét điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa, nông nghiệp để tạo động lực tăng trưởng.

thaoluan4.jpg
Đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn) thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Quan tâm đến giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn) cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%)... Trong nhiều nội dung đánh giá về khó khăn, đại biểu đặc biệt quan tâm đến chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, danh mục dự án khi đưa vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó, vấn đề về giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thực hiện dự án; người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt; việc bố trí kinh phí và hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư theo các quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách nhà nước.

Gần như không tiết kiệm được chi tiền lương

Về tiết kiệm chi thường xuyên và đầu tư công, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre) cho biết, Chính phủ yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển. Để thực hiện được điều này, đại biểu đề xuất thực hiện cắt giảm 5% chi thường xuyên ngay từ đầu năm để tạo thuận lợi cho việc bố trí vốn đầu tư công. Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong lập kế hoạch, bố trí nguồn vốn đầu tư công.

thaoluan5.jpg
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre) phát biểu. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) cho biết, theo tờ trình, Chính phủ có đề xuất cho phép dành 5% nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đại biểu cho rằng, chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân rất tốt, phù hợp; tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vấn đề này, Chính phủ cần cân nhắc.

“Chúng ta đề xuất giảm 5% chi thường xuyên năm 2024 nhưng bây giờ là tháng 10 rồi. Và theo dự kiến ngày 13-11 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết này. Địa phương đã xây dựng dự toán từ đầu năm, nhiều địa phương cơ bản đã giải ngân hết. Nếu cắt giảm 5% thì địa phương sẽ lấy nguồn ở đâu?”, đại biểu nói.

Do đó, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị Chính phủ cân nhắc vấn đề này, đồng thời, cần có cơ chế mở hơn theo hướng: Nếu địa phương nào có khả năng tiết kiệm được thì thực hiện, không thể yêu cầu đồng loạt các địa phương đều như nhau. Nếu địa phương nào đã sử dụng hết và bắt buộc tiết kiệm thì đề nghị cần xem xét.

Còn đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho biết, theo báo cáo kiểm toán, hiện nay, bố trí chi thường xuyên còn thấp, còn nhiều khoản chưa được phân bổ, làm kìm hãm các công cụ kích thích của nền kinh tế.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề nêu trên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong chi thường xuyên phải tuân thủ nguyên tắc có dự toán và đơn giá định mức được duyệt. Giải pháp sắp tới, Chính phủ sẽ có sự đổi mới về chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó, các tỉnh sẽ phân bổ ngân sách theo quy định; sau đó Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại.

thaoluan6.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: media.quochoi.vn

Về vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, chủ yếu là tiết kiệm ở hoạt động mua sắm, công tác phí, hội nghị, nâng cấp sửa chữa, mua sắm nhỏ…; còn chi trả lương và các khoản phụ cấp từ lương thì gần như không tiết kiệm được. Việc chi thường xuyên cho trả tiền lương đã chiếm tới 45%, còn lại 65% là các khoản chi khác. Để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo... Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội việc cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Trước đây, trong những năm 2009-2011, Chính phủ đã thực hiện việc này, đến nay, việc này được tái khởi động lại, cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển... Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cả nước tiết kiệm khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên trong năm 2024

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.