Cho dù mâm cỗ Tết ngày nay đã có rất nhiều thay đổi, đối với nhiều gia đình, những món ăn truyền thống vẫn luôn có ý nghĩa và gợi nhớ, gợi thương hơn cả. Cho dù bạn có biến tấu đi thế nào nữa, cũng đừng quên một số món đã đi cùng năm tháng dưới đây nhé.
1. Bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là những món bánh đặc trưng của ba miền trong ngày Tết. Cách gói món bánh này tuy cầu kỳ nhưng đó là cơ hội để mọi người trong gia đình có thời gian thật vui vẻ và ấm cúng bên nhau, người rửa lá, người ngâm nếp, ngâm đỗ, người thì ướp thịt, chẻ lạt... rồi lại cùng nhau quây quần bên bếp chờ bánh chín... Ngày nay, bánh chưng, bánh tét cũng đã được biến tấu để phù hợp với xu thế như bánh tét mặn nhân đậu, bánh tét ba màu, bánh chưng ngũ sắc...
2. Giò xào
Những năm gần đây, nhờ có khuôn chuyên dụng để làm giò xào một cách dễ dàng mà các bà nội trợ có thể tự tay làm những cây giò thật ngon và đảm bảo vệ sinh cho cả gia đình vào dịp Tết. Cách làm giò xào không hề khó mà lại nhanh.
3. Giò hoa, giò nụ
Giò hoa, giò nụ với phần giò, mộc nhĩ, tai heo, trứng muối được nhồi trong một chiếc chân giò rút xương đã trở thành món ăn đầy nhớ thương trong lòng của mỗi người dịp Tết về. Ngày nay, loại giò này không còn phổ biến nữa nhưng món giò đẹp mắt này vẫn rất đáng để làm và thưởng thức.
4. Chả hoa ngũ sắc
Cũng là "họ" nhà giò, khá giống với giò hoa nhưng chả hoa ngũ sắc được "làm màu" thêm bởi cà rốt, lớp trứng gà bọc ngoài. Món giò này vừa ngon vừa đẹp mắt, chắc chắn sẽ giúp mâm cỗ nhà bạn trở nên vô cùng sinh động.
5. Giò lụa
Ngày trước, để làm được một mẻ giò lụa thường rất mất công. Nhưng ngày nay, với sự trợ giúp của các loại máy xay thịt, việc làm giò lụa trở nên đơn giản hơn nhiều. Giò lụa tuy là món quen thuộc nhưng lại thường được các bé nhỏ hưởng ứng nhiệt liệt.
6. Dưa món, dưa hành, củ kiệu muối
Bên cạnh đĩa bánh chưng thật khó có thể thiếu món dưa hành, củ kiệu muối hoặc dưa món. Những món này giúp bạn có thể chống ngán khi mâm cỗ quá nhiều đạm hoặc các món nếp.
7. Canh măng, canh bóng thả, canh khổ qua nhồi thịt
Ở miền Bắc, canh măng và canh bóng thả là hai món canh quen thuộc trong dịp Tết. Còn ở miền Nam, món canh khổ qua nhồi thịt lại được ưa chuộng hơn cả trong mâm tất niên với ý nghĩa, mọi buồn khổ của năm cũ sẽ qua hết.
8. Gà luộc
Ngoài bánh chưng, bánh tét, thịt gà luộc hầu như mâm cỗ Tết nào cũng có. Để luộc được gà ngon mắt và ngon miệng, bạn cần lưu ý về cách luộc, thời gian luộc và ngâm gà sao cho chuẩn.
9. Nem rán
Món nem được biến tấu rất nhiều tùy theo khẩu vị mỗi gia đình. Bạn có thể làm nem cua bể, nem hải sản, nem tôm thịt, nem thập cẩm, nem chay... Tất nhiên, món nem thường rất nhanh ngán nên hầu như ngày nay, các gia đình cũng chỉ thường cuốn nem đôi lần trong dịp Tết để làm mâm cỗ.
10. Xôi
Xôi gấc, xôi lạc, xôi đậu xanh... là những loại xôi thường thấy trong mâm cỗ Tết, cả xưa và nay. Mỗi loại xôi lại có một ý nghĩa khác nhau, như xôi gấc với mong muốn năm mới sẽ gặp nhiều "vận đỏ", xôi lạc với mong muốn năm mới an lạc, xôi đậu xanh với mong muốn năm mới nhiều tài lộc...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.