(HNM) - Sau 19 năm vắng bóng, dịch sởi đã tái xuất tại Mỹ, chủ yếu tại những cộng đồng dân cư không tiêm vắc xin và được miễn tiêm vì lý do tôn giáo hoặc cá nhân.
Thông báo này được đưa ra ngày 26-3 sau khi quận Rockland ghi nhận 153 ca bệnh sởi từ tháng 10-2018 đến nay. Giới chức quận Rockland cũng yêu cầu mọi trẻ em từ 6 tuổi trở xuống chưa tiêm phòng không được đến những nơi công cộng, trừ các trường hợp có lý do y tế. Theo giới chức New York, lệnh cấm được duy trì trong vòng 30 ngày hoặc cho đến khi toàn bộ những người dưới 18 tuổi được tiêm phòng sởi, quai bị và rubella. Việc vi phạm lệnh cấm sẽ bị phạt 500 USD và tối đa 6 tháng tù. Động thái này là một trong những bước đi mới được các quan chức Mỹ đưa ra sau khi dịch bệnh bùng phát tại một số khu vực do phong trào chống vắc xin, đặc biệt là ở các bang Washington, California, Texas và Illinois.
Bệnh sởi từng mỗi năm cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và chính thức bị xóa sổ tại Mỹ vào năm 2000. Nhưng nay, sởi đã quay trở lại một cách nguy hiểm. Cơ quan phòng chống dịch bệnh Mỹ cho biết, tính từ tháng 1 đến nay, trên khắp nước này đã ghi nhận 314 ca mắc sởi tại 15 bang. Trong năm 2018, có tổng cộng 372 ca mắc sởi, cao gấp 3 lần so với năm 2017. Nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng bùng phát dịch sởi là do nhiều phụ huynh ở Mỹ từ chối tiêm vắc xin cho trẻ vì nhiều lý do như niềm tin tôn giáo hoặc lo ngại vắc xin phòng sởi có thể gây ra tình trạng tự kỷ ở trẻ em. Những người chống lại tiêm chủng thậm chí đã khiến nhiều thành phố ở Mỹ không tiêm vắc xin cho trẻ. Có tới 18 bang ở Mỹ cho phép cha mẹ không cho con tiêm chủng khiến hàng trăm trẻ tuổi mẫu giáo ở những nơi này không được tiêm phòng. Do đó, bệnh sởi đã từ những khu vực này lây lan nhanh chóng.
Giám đốc Trung tâm quốc gia về miễn dịch và các bệnh hô hấp Mỹ, Nancy Messonnier cho biết hiện có rất nhiều người do dự với việc tiêm vắc xin. Cách đây 15 năm, có tới 95% học sinh 5 tuổi tại hạt Clark được tiêm vắc xin phòng sởi. Thế nhưng đến năm học 2017-2018, tỷ lệ này đã giảm xuống 84%. Đáng lo ngại hơn, ở một số trường học, đặc biệt là trường tư, tỷ lệ tiêm vắc xin vô cùng thấp, chỉ khoảng 20-30%. Giới chuyên gia cho rằng tin đồn thất thiệt về vắc xin là một yếu tố khiến nhiều người do dự tiêm chủng, đồng thời cho rằng việc các mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin sai sự thật về các nguy cơ của việc tiêm phòng đã tác động lớn đến quyết định của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, gần đây, trước sức ép của Quốc hội Mỹ, mạng xã hội Facebook, YouTube và Pinterest đã công bố nhiều biện pháp chặn các nội dung bài trừ vắc xin.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, dịch sởi bùng phát ở nhiều nước đang tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với trẻ em và cần nhiều nỗ lực cải thiện mức độ bao phủ tiêm chủng tại các quốc gia trên thế giới để kiểm soát và bài trừ dịch bệnh nguy hiểm này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.