(HNM) - Với một loạt tiêu chí được đánh giá không thua kém so với các nền giáo dục tiên tiến khu vực như cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên; chương trình giảng dạy... việc ra đời mô hình trường chất lượng cao (CLC) đã phần nào đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của học sinh ở Hà Nội.
Thế nhưng, sau 3 năm triển khai, mô hình này đã và đang nảy sinh nhiều bất cập, trong đó câu chuyện cân đối “thu - chi”, tiến tới không sử dụng ngân sách hỗ trợ chi trả lương cho các thầy cô giáo đang là bài toán “đau đầu” với các nhà trường cũng như nhà quản lý giáo dục Thủ đô.
Thực hiện Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND ngày 17-7-2013 của HĐND TP Hà Nội về “Cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập CLC”, mức trần học phí trong các trường CLC sẽ được điều chỉnh tăng từng năm. Điều này cũng đồng nghĩa mức học phí trong các trường CLC sẽ tăng cao hơn so với trường bình thường. Các trường CLC phải tự chủ tài chính bởi theo đề án, ngân sách chỉ hỗ trợ chi lương, các khoản theo lương và một phần kinh phí duy tu bảo dưỡng hết năm 2016, sau đó các trường CLC phải tự cân đối. Đây sẽ là thách thức lớn với các trường CLC khi số lượng tuyển sinh có xu hướng giảm vì học phí cũng như “phụ phí” cao khiến nhiều phụ huynh không kham nổi.
Đích cuối cùng hướng đến là các trường CLC phải tiệm cận với nền giáo dục tiên tiến, đồng thời hạn chế “chảy máu” ngoại tệ. Như vậy, để các trường CLC đạt chuẩn quốc tế trong tương lai, việc tăng học phí theo lộ trình cùng với những khoản “phụ phí” đi kèm để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học là cần thiết. Thế nhưng, điều khiến dư luận quan tâm là học phí tăng có đi đôi với tăng chất lượng dạy - học? Câu trả lời là hiện thực trong tương lai, còn việc tăng học phí là điều hiển hiện ngay trước mắt.
Hiện Hà Nội có 14 trường CLC, gồm 8 trường công lập và 6 trường ngoài công lập. Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2015-2020, ban hành ngày 26-4-2016, về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” xác định: Chỉ đạo triển khai tích cực, đồng bộ, có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và xây dựng mô hình trường CLC theo Luật Thủ đô. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020, Hà Nội sẽ có thêm 20 trường công lập CLC”.
Phát triển mô hình trường CLC là yêu cầu cần thiết trong xu thế hội nhập hiện nay. Để mô hình này phát triển ổn định lâu dài, thành phố cần sớm điều chỉnh, bổ sung về mức trần học phí và cơ chế hỗ trợ ngân sách hằng năm. Bản thân các trường CLC cũng cần được trao quyền tự chủ trong tuyển dụng giáo viên theo biên chế được duyệt để nâng cao chất lượng giáo dục, phù hợp với mô hình CLC. Điều quan trọng hơn, các trường CLC cần được tạo điều kiện, cơ chế linh hoạt để từng bước tự chủ về tài chính. Điều này giúp các trường có đủ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất; đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy, từ đó thu hút được học sinh.
Mặt khác, để cân đối “thu - chi” đối với các trường CLC thì việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được xem là giải pháp quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đó, các trường cũng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý để tăng hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động. Đây cũng là chủ trương đúng khi Nghị quyết số 39-NQ/TƯ, ban hành ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng nhấn mạnh: “Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động theo hướng tiếp tục đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính… nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo…”. Việc phải “cai sữa” nguồn kinh phí từ ngân sách là cần thiết để các trường CLC thực sự tự chủ, khẳng định vị thế và thương hiệu. Tuy nhiên vấn đề là cần một lộ trình phù hợp bởi “cai sữa” muộn thì gánh nặng đổ dồn cho ngân sách, còn “cai sữa” sớm dễ dẫn đến “suy dinh dưỡng”, khó tồn tại và phát triển đối với các trường CLC.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.