(HNM) - Hàng chục chuyến tàu với đầy ắp hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc bị ách lại tại các cảng biển. Việc hàng hóa không thể xuất khẩu được chỉ là một phần trong bức tranh chung của thị trường thương mại thế giới khi các hoạt động giao thương đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh do Covid-19 gây ra.
Khi dịch bệnh do Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các nhà sản xuất từ thời trang đến công nghiệp nặng đều gặp khó khi chuỗi cung ứng hàng hóa đột ngột bị gián đoạn. Mối lo ngại này xuất phát từ thực tế Trung Quốc đã chuyển mình từ "công xưởng" sản xuất giá rẻ trở thành trung tâm chế tạo giá trị cao của thế giới, kết nối tới 40% chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đồng nghĩa rằng tính liên kết, kết nối và phụ thuộc lẫn nhau giữa kinh tế Trung Quốc với kinh tế các nước đã chặt chẽ hơn nhiều.
Trong khi đó, chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới trong những năm qua lại được tối ưu hóa mạnh mẽ, khiến nhiều nhà sản xuất tại các quốc gia không còn tích trữ nhiều nguyên liệu, phụ tùng. Thực tế này khiến một số nền kinh tế có quy mô thương mại lớn với Trung Quốc sẽ chịu tác động mạnh mẽ và tức thời ngay khi hoạt động cung cấp nguyên phụ liệu gặp trục trặc.
Đặc biệt, tâm dịch Vũ Hán là một đầu tàu công nghiệp của Trung Quốc. Lấy ví dụ trong ngành công nghiệp ô tô, chỉ một thời gian ngắn sau khi dịch bệnh do Covid-19 xảy ra, Hãng ô tô Hàn Quốc Hyundai đã công bố lộ trình ngừng hoạt động một phần hoặc toàn phần 7 nhà máy tại quê nhà vì thiếu phụ tùng từ Vũ Hán đưa sang. Tình trạng đình trệ của các hãng ô tô (chiếm tới 20% GDP) đã gia tăng căng thẳng lên ngành Công nghiệp của xứ Kim chi vốn đang tăng trưởng chậm.
Trong khi đó, năm 2018, Nhật Bản đã nhập khẩu khoảng 3,2 tỷ USD phụ tùng ô tô từ Trung Quốc, nhiều gấp 10 lần con số của giai đoạn 2002-2003. Tương tự, cùng năm 2018, Mỹ đã nhập khẩu khoảng 11 tỷ USD các mặt hàng phụ tùng ô tô từ Trung Quốc. Mẫu EcoSport của Hãng Ford tuy chủ yếu được sản xuất tại Ấn Độ, nhưng vẫn có 15% linh kiện đến từ Trung Quốc. Hãng Bosch (Đức) hiện có 23 nhà máy tại quốc gia đông dân nhất thế giới, trong đó có 2 cơ sở tại Vũ Hán. Hãng Magna (Áo) cũng đang duy trì 68 nhà máy với khoảng 19.000 nhân công ở Trung Quốc. Cả hai hãng này vẫn đang phải kéo dài thời gian nghỉ của các nhà máy nói trên.
Không chỉ ô tô, mà hầu như mọi lĩnh vực sản xuất khác đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do Covid-19. Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu, Tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ đều giảm nhịp độ sản xuất. Khi Foxconn và Pegatron, hai nhà cung ứng chính của Apple, chưa thể vận hành lại nhà máy đã khiến iPhone 11 đứng trước nguy cơ hiếm hàng trong khi lộ trình ra mắt iPhone 12 cũng bị ảnh hưởng, buộc “Táo khuyết” phải giảm dự đoán doanh thu của năm 2020 ngay từ lúc này. Trong lĩnh vực dược phẩm, Trung Quốc đang là nhà sản xuất hoạt chất và tá dược số một thế giới. Hiện có tới 90% nguồn cung thuốc men của Mỹ đang cần tới nguyên liệu từ Trung Quốc.
Có thể nói, những thiệt hại của chuỗi cung ứng đang trở thành “bài học” về việc nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc như thế nào vào sự cung cấp của Trung Quốc. Giới chuyên môn nhận định, thiệt hại của dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới lớn đến đâu sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh, tính hiệu quả của các đối sách mà mỗi doanh nghiệp cũng như chính phủ các nước theo đuổi trong giai đoạn hiện nay.
Trong một diễn biến mới nhất, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã cảnh báo rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể suy giảm từ 0,1 đến 0,2% (tức còn khoảng 3,3%) trong năm nay do tác động của dịch bệnh do Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.