Góc nhìn

Đi tìm "3 tháng nghỉ hè"

Hoàng Lê 02/07/2023 - 20:53

Chưa hết tháng 6, tháng nghỉ hè đầu tiên của tụi trẻ, tin nhắn hỏi han chuyện học hè của phụ huynh học sinh đã tíu tít trên nhóm zalo. Trưởng ban phụ huynh học sinh của một lớp 3 tại Hà Nội nhắn bố mẹ của các con trong lớp: “Từ 26-6 cô sẽ tổ chức ôn hè chương trình lớp 3 và giới thiệu chương trình lớp 4. Phụ huynh nào cho con học thì đăng ký nhé!”. Tin nhắn được gửi trước khi bắt đầu “ôn tập” 5 ngày, theo đó cô giáo sẽ ôn cho các con 3 buổi/tuần, mỗi buổi bắt đầu từ 9 - 11h; ghi rõ ngày bắt đầu nhưng không nói gì về khoảng thời gian kết thúc việc này.

Thực ra thì từ lâu, đa số trẻ em Việt Nam đã không có “3 tháng nghỉ hè” đúng nghĩa. Trẻ chưa đến kỳ chuyển cấp học hay thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đại học vào năm học tới thì còn đỡ, một số không ít chỉ theo các khóa học ngoại ngữ hay học kỹ năng nên thời gian nghỉ ngơi, vui chơi tương đối thoải mái dù cái sự thoải mái đó cũng không kéo dài đến hết ba tháng hè, tối đa yên ổn cũng chỉ đến hết tháng 7 mà thôi. Trẻ chuẩn bị vào lớp 1 thì lo học trước việc tập viết chữ, đánh vần; học sinh lớp 8, lớp 11 thì khỏi nói, thường theo những khóa học thêm để năm học tới đạt mục tiêu chuyển cấp hay thi tốt nghiệp, thi đại học được suôn sẻ.

Thực tế nói trên ai cũng có thể nhìn ra từ nhiều năm nay, và, đáng lưu ý, nhiều người coi đó là điều đương nhiên, thuận theo, như thể cuộc sống của trẻ không có gì đáng quan tâm ưu tiên ngoài việc học. Sự học căng thẳng dường như đang ngày một nặng nề. Như trên đã dẫn, học sinh lớp 3 thôi mà hạ tuần tháng 6 đã phải bận tâm việc “ôn”, “học trước” với giáo viên nhà trường mà các con theo học chính khóa. Không bắt buộc nhưng nghĩ kỹ vẫn thấy nặng đầu. Cả thành phố có bao nhiêu trẻ được "mời" như thế? Đó là chưa kể lịch học ngoại ngữ tại các trung tâm của nhiều trẻ là “xuyên hè”. Học phí đóng cả năm, nghỉ buổi nào “mất tiền” buổi đó, phải cố mà theo. Đó là chưa kể những nội dung học hè khác gần với nghĩa “chơi mà học”, bổ ích và thú vị nhưng cũng đòi hỏi trẻ phải tuân thủ kỷ luật về thời gian.

Có phải là học sinh đang phải chịu áp lực học hành quá lớn hay không? Câu hỏi thật dễ trả lời!

Một ngày đầu tháng 6, người viết vào một hàng quà sáng ở gần một trường tiểu học và một trường trung học cơ sở. Chị chủ hàng ngẩn tò te trước câu hỏi “vắng thế chị?” của khách. “Chả vắng thì sao, học sinh nghỉ hè hết cả rồi”. Câu trả lời của chị khơi mào câu chuyện về sự học của trẻ em bây giờ. Một bác, chừng đã hưu, phàn nàn đại ý không hiểu sao bây giờ học sinh phải học nhiều thế. Cháu ngoại lớn của bác học lớp 7, sáng sớm đến trường rồi nhiều hôm phải 17h, 17h30 mới về. Có hôm ra khỏi cổng trường là tất tả đến lớp học thêm, về ăn tối đã là 20h. Giờ nghỉ hè mà bố mẹ vẫn không tha. “Ăn, chơi, vận động cái gì nữa?” - bác nói, như tự hỏi.

Chuyện bâng quơ nhưng gây ám ảnh đối với người cả nghĩ. Thế hệ trước, lâu rồi, học sinh học một buổi rồi về nhà tự học, bố mẹ đi làm thì tự chơi với nhau, tự quản, có bài tập về nhà thì cũng không đến nỗi bò ra đến mức ăn không đúng giờ, ngủ không đủ giấc, bố mẹ có khi cãi nhau ỏm tỏi vì giờ giấc học tập của con. Giờ chương trình phổ thông kéo dài 12 năm, học hai buổi không đủ còn học thêm “các thể loại”. Suốt gần 9 tháng học chính khóa gần như ngày nào cũng ngồi là chính, đến tội cái xương sống; tối mịt về không đi học thêm thì cũng không có mấy thời gian để chơi thể thao, giải trí; bữa ăn tối và giấc ngủ đêm lấy gần hết khoảng thời gian “ngoài học” vốn đã ít ỏi. Sự chơi thì không nói, việc tập tành rèn luyện thân thể cần sự điều độ, uốn thành nếp, chỉ thứ bảy (hoặc nửa ngày thứ bảy) và chủ nhật là không đủ, nhất là khi nhiều trẻ phải học thêm trong hai ngày cuối tuần.

Ta có thể đã được chứng kiến cảnh tượng người lớn thốt lên với nhau, đại ý con nhà này nhà nọ có mấy tháng mà lớn bổng, “không nhận ra” khi gặp lại trẻ sau khoảng thời gian nghỉ hè. Ngoài yếu tố phát triển tâm sinh lý tự nhiên theo lứa tuổi thì sự thay đổi về tinh thần và thể chất theo hướng đáng mong đợi còn là do trẻ được chăm chút ăn đúng giờ, ngủ khá thoải mái, có thể đi bơi, chơi thể thao thường xuyên, cùng gia đình đi du lịch trong dịp hè... Bởi vậy, từ ít ngày nghỉ hè mà nhìn rộng ra, có thể khẳng định rằng áp lực học hành đối với trẻ là điều cần được nghiên cứu nghiêm túc để tìm ra cách cởi bỏ thích hợp, nhất là khi áp lực đó thường xuyên đè nặng học sinh suốt 8 - 9 tháng trong một năm - điều vô cùng nguy hiểm đối với sự phát triển toàn diện của trẻ theo quan điểm của chuyên gia tâm lý học giáo dục Việt Nam và thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm "3 tháng nghỉ hè"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.