(HNM) - Ngày 10-11, theo giới thiệu của người quen, ông Hùng (phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân) đưa người thân đến nhà ông lang Cường ở số 1, ngách 31, ngõ 185 phố Chùa Láng để bó chân. Vừa đến cổng đang loay hoay chưa biết đỡ người nhà xuống bằng cách nào, ông Hùng đã ngạc nhiên khi được hướng dẫn:
- Trong sân còn rộng, mời bác đưa xe vào trong và để gọn vào góc tường ạ.
Vừa dừng xe, ông đã thấy mấy cháu gái mặc áo blu xúm lại đỡ và dìu người thân vào phòng khám. Dựng xe xong, ông Hùng quay sang bên phòng khám thấy khoảng chục người đang ngồi chờ đến lượt vào khám. Trong khi mọi người nhích dần theo thứ tự thì người nhà ông Hùng do không hiểu nên cứ ngồi một chỗ. Thấy lạ, một nhân viên ở đây quay ra hỏi:
- Bác gái mặc áo nâu bị làm sao ạ? Mời bác ngồi sát lên!
- Thưa bác sĩ, em tôi bị câm, điếc từ nhỏ nên không hiểu gì. Cô ấy bị ngã, không biết chân có sao không, bác sĩ khám giùm - ông Hùng vội vàng đáp.
- Chết! Thế bác không nói trước để chúng cháu ưu tiên. Xin phép mấy anh chị ngồi phía trên để chúng tôi khám cho bác ấy trước.
Rồi cô bảo ông Hùng dìu người nhà đến gần chỗ cô ngồi và giơ tay ra hiệu cho người bệnh, ý như hỏi: Bác đau thế nào? Hiểu ý bác sĩ, em gái ông Hùng chỉ vào chỗ đau. Cô bác sĩ khám thật cẩn thận, đắp thuốc vào chỗ đau, băng bó gọn gàng cho người bệnh, rồi quay sang dặn ông Hùng kỹ lưỡng về cách điều trị:
- Cảm ơn bác sĩ, cho tôi thanh toán tiền khám và tiền thuốc.
- Không ạ. Những trường hợp thế này, chúng tôi khám miễn phí và cũng không lấy tiền thuốc. Đây là quy định được thực hiện từ lâu rồi ạ. Cha tôi và các y, bác sĩ của nhà thuốc này đều là dâu, con cụ lang Cường.
Kể lại câu chuyện trên với Người Xây Dựng, ông Hùng mong rằng, giá như cơ sở khám, chữa bệnh nào cũng làm được như thế thì đúng là dân mình được nhờ và hình ảnh đó sẽ làm đẹp thêm chiếc áo blu trắng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.