Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đến Casey để thấy mình thành “tí hon”

Lê Thủy| 20/02/2020 15:34

(HNMCT) - Từ một địa điểm gần như vô danh trên bản đồ du lịch, thị trấn Casey (thuộc quận Clark và Cumberland, tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ) đã trở thành “điểm phải đến” của nhiều người Mỹ. Vậy điều gì đã làm thay đổi số phận thị trấn này?

Thị trấn của những vật dụng khổng lồ

Bạn sẽ không tìm thấy những công viên nước hay bãi biển lạ mắt ở Casey. Và nếu muốn xem một trận bóng chày ở giải đấu lớn, bạn sẽ mất 2 giờ lái xe từ đây đến thành phố St. Louis... Điều đó nói lên rằng Casey gần như chẳng có gì; một thị trấn nhỏ và thưa thớt với khoảng  3.000 dân trên diện tích hơn 5km2. Nhưng từ năm 2011, thị trấn này bỗng trở thành "hiện tượng" khi ở đây xuất hiện bộ sưu tập các vật dụng khổng lồ.

Ý tưởng về các vật dụng khổng lồ đến từ Jim Bolin, một doanh nhân địa phương. Năm 2011, ông đã chế tạo một chiếc chuông gió cao 56 feet (gần 16,5m) ngay trước quán trà của vợ mình. "Rất nhiều người ở bên ngoài thị trấn đã đến để xem chuông gió, khiến không chỉ cửa hàng mà thị trấn cũng nhộn nhịp hẳn lên. Từ đó, chúng tôi bắt đầu nghĩ về những thứ khác mà chúng tôi có thể xây dựng để giúp thị trấn", ông Jim Bolin chia sẻ.

Cũng từ đây, một loạt “vật dụng dành cho người khổng lồ” đã ra đời. Hầu hết chúng được làm từ vật liệu tái chế. Jim Bolin và các cộng sự ở Công ty Bolin Enterprises của ông đã tận dụng gỗ từ những bốt điện thoại cũ, kim loại từ những cột điện hỏng... để tạo nên những tác phẩm mới mẻ này. Đến năm 2017, đã có 8 kỷ lục Guinness thế giới được công nhận ở thị trấn Casey, gồm: Chuông gió lớn nhất thế giới (cao 16,5m); thanh đặt bóng golf (cao 9,1m và nặng 3 tấn) được làm bằng gỗ thông vàng, đặt tại sân golf Casey Country Club; cặp kim đan len lớn nhất thế giới với mỗi chiếc kim có chiều dài tới 4,2m; hộp thư khổng lồ trông như một tòa nhà cao 10m, có thể chứa được 50 người và có thể gửi được thư; đôi guốc gỗ lớn nhất thế giới; chiếc dĩa ăn khổng lồ dài 12m; ghế đá cao 17m, nặng 21 tấn; chiếc ghế bập bênh dài hơn 17m.

Ngoài ra còn rất nhiều vật dụng có kích thước ngoại cỡ khác như đồng xu, lồng chim, thước, bút chì, bắp ngô, cây xương rồng, con ngựa, một số nhân vật hoạt hình... Những thứ này được trang trí khắp thị trấn. Chính vì vậy, khi bước chân đến Casey, du khách có cảm giác như mình lạc vào một thế giới khác, nơi bỗng nhiên họ bị biến thành người tí hon. Nhiều khách du lịch cho biết, những vật dụng này không chỉ mang đến cho họ những bức ảnh lạ mắt mà còn giúp trí tưởng tượng của họ được kích thích cao độ.

“Định nghĩa” lại du lịch

Chiếc lồng chim khổng lồ ở Casey.

Ban đầu, cũng có người coi sáng kiến của Jim Bolin ở Casey chỉ là "một cách làm kỳ quặc để nổi tiếng”, thậm chí nhiều người còn cười thầm trước những nỗ lực của ông. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, dự án “Big things in a small town” (Những vật to lớn trong thị trấn nhỏ) của Jim Bolin nhận được sự ủng hộ gần như tuyệt đối từ cộng đồng. Các nhân viên của công ty nơi Jim Bolin điều hành tình nguyện tham gia vào việc tạo ra những kỷ lục mới trong thời gian rảnh rỗi. Chính quyền Casey và các doanh nghiệp địa phương đã quyên góp tiền và vật liệu để duy trì các dự án làm ra vật dụng khổng lồ. Họ cùng đoàn kết để làm việc này bởi chính nó đã cứu các cửa hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế của Casey trong giai đoạn suy thoái kinh tế kéo dài. Thư ký thị trấn, ông Jeremy Mumford thừa nhận: "Những điều lớn lao này đã đưa Casey trở lại với “radar” của mọi người. Trước khi Jim Bolin và công ty của anh ấy làm ra những vật dụng khổng lồ, Casey không có du lịch, nhưng hiện nay nơi này đã trở thành một thị trấn sầm uất".

Thị trấn Casey thậm chí còn được nhiều tác giả chuyên viết sách du lịch đưa vào danh sách 100 điểm phải đến ở nước Mỹ, trở thành một xu hướng du lịch ở quốc gia này. Theo ông Liping Cai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu du lịch và khách sạn tại Đại học Purdue: “Mặc dù các thị trấn nhỏ thường có ít điểm hấp dẫn hơn các thành phố lớn, nhưng chúng ngày càng trở thành nơi mà người Mỹ muốn tới nghỉ. Nếu bạn nghĩ du lịch giống như một bữa ăn, một thành phố có thể mang đến cho bạn bữa tiệc đủ món, nhưng những gì mà một thị trấn nhỏ đưa ra lại có thể rất độc đáo. Nhỏ không có nghĩa là kém hơn trong du lịch, bởi các gia đình chỉ cần một cái cớ để dừng lại”. Ông cũng chia sẻ bí quyết cho các địa phương khác muốn học tập bài học thành công từ Casey, đó là: “Một thị trấn nhỏ muốn nổi tiếng thì cả cộng đồng phải tham gia vào đó. Cần phải thực hiện thêm các bước bổ sung như đào tạo nhân viên bán lẻ, nhân viên trạm xăng... trở thành những “đại sứ du lịch” bởi họ sẽ hướng khách du lịch đến những địa điểm nổi bật của địa phương”.

Hiện Casey vẫn tiếp tục xây dựng thêm các công trình mới như hình người khổng lồ, những chiếc muỗng, chìa khóa, búa gỗ... có kích thước rất lớn để biến nơi đây thực sự trở thành xứ sở của những điều đặc biệt, nơi mà bất cứ ai cũng muốn đến để có cảm giác mình được lạc vào một thế giới khác, được hóa trẻ thơ trong thế giới tưởng tượng diệu kỳ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đến Casey để thấy mình thành “tí hon”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.