Điểm đến

Hướng đi mới cho du lịch Ba Vì

Hoàng Lân 05/07/2025 10:37

Sở hữu hệ sinh thái thiên nhiên đa dạng với núi non, sông nước hữu tình, vùng bán sơn địa Ba Vì có nhiều điều kiện để phát triển du lịch xanh bền vững kết hợp với những hoạt động trải nghiệm văn hóa bản địa.

Những năm gần đây, du lịch Ba Vì hấp dẫn du khách với những loại hình trekking, du lịch ngắm hoa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe.

ba-vi.jpg
Du khách trải nghiệm ngắm hoa anh đào trên Vườn Quốc gia Ba Vì. Ảnh: Hoàng Phương

Di sản ẩn mình trong rừng

Cuối tháng 5 vừa qua, Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô (Hiệp hội Du lịch Hà Nội) tổ chức chuyến khảo sát trải nghiệm du lịch Ba Vì theo tuyến mới, gồm: Trekking suối Ngọc Hoa dài 3km tại “cốt 400m”; tham quan phế tích nhà thờ đổ ở “cốt 800m”; khu du lịch Ao Vua, các cơ sở lưu trú: Amour Resort, Ba Vì Resort, Đồi Quán Boutique Mansion và dịch vụ chăm sóc sức khỏe gắn với thiên nhiên... Chuyến khảo sát nhằm xây dựng tuyến du lịch mới ở ngoại thành Hà Nội, đẩy mạnh phát triển du lịch xanh bền vững như chủ trương của thành phố.

Tại đây, những người làm du lịch được trải nghiệm tuyến đường đẹp nhất tại Ba Vì với hệ thực vật phong phú đa dạng, dòng suối Ngọc Hoa uốn lượn hiền hòa giữa rừng. Hay hệ thống phế tích từ thời Pháp vẫn còn ẩn hiện trong những lớp thực vật, trở thành một phần của sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh chia sẻ, Ba Vì có rất nhiều tài nguyên khác biệt để xây dựng dòng sản phẩm trải nghiệm mới cho du khách. Vườn Quốc gia Ba Vì là không gian giao thoa giữa khí hậu cận nhiệt và ôn đới, sở hữu hệ sinh thái rừng đa dạng, là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động trekking, du lịch chăm sóc sức khỏe, cắm trại, săn mây, ngắm hoa dã quỳ...

Còn theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô, Giám đốc Công ty lữ hành AZA Nguyễn Tiến Đạt, hệ thống hơn 200 phế tích cũ từ thời Pháp cách đây cả trăm năm tại Vườn Quốc gia Ba Vì như nhà thờ đổ, các ngôi biệt thự rêu phong cổ kính... là những di sản kiến trúc giá trị để khai thác du lịch. Ngoài ra, Ba Vì còn là vùng đất thiêng với đền Thượng thờ Tản Viên Sơn Thánh - một trong Tứ bất tử của tín ngưỡng Việt Nam, địa danh K9 gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng các di tích kháng chiến và cộng đồng dân tộc Dao, Mường với lễ hội truyền thống, nghề thủ công, ẩm thực đặc sắc.

Ngoài lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, Ba Vì cũng có hệ thống lưu trú đa dạng từ bình dân cho đến cao cấp. Hiện Ba Vì đang là địa điểm được nhiều du khách tìm đến với những sản phẩm như du lịch chăm sóc sức khỏe, tắm thảo dược, nghỉ dưỡng tại Melia Resort, Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà Resort...

Điểm đến du lịch xanh của Thủ đô

Mặc dù những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch được định hình khá rõ nhưng du lịch Ba Vì vẫn chưa “cất cánh” như kỳ vọng. Lượng khách đến với Ba Vì còn khiêm tốn, chưa tạo được sức bật rõ rệt cho du lịch ngoại thành. Trong bối cảnh Hà Nội cùng cả nước đã triển khai vận hành quản lý chính quyền địa phương 2 cấp, huyện Ba Vì cũ giờ được quản lý theo 8 xã, đặt ra không ít thách thức mới cho công tác quản lý, phát triển du lịch phía Tây Bắc của Thủ đô.

Là người có nhiều dự án du lịch tại Ba Vì như Khu du lịch Ao Vua, Đầm Long, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản nhận định, Ba Vì có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch nhưng thực tế còn rất nhiều khó khăn, chưa phát huy được hết lợi thế. Nếu không được quy hoạch lại và tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính, con người thì du lịch Ba Vì vẫn chưa thể bứt phá. Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Cộng đồng Vũ Văn Tuyên, du lịch Ba Vì vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu kết nối giữa các tuyến, các điểm du lịch và đơn vị lữ hành.

Để tạo sự chuyển biến cho du lịch Ba Vì, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng, dù việc quản lý hành chính có sự thay đổi nhưng các điểm đến đã định vị trên địa bàn huyện Ba Vì (cũ) vẫn có sức hút với du khách.

Theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, Ba Vì cần tập trung vào những dòng sản phẩm thế mạnh, đó là du lịch xanh, sinh thái gắn với văn hóa bản địa. “Ba Vì có cộng đồng các dân tộc phong phú, đặc biệt là văn hóa của người Mường và Dao, tạo nên nét đặc sắc rất riêng. Ba Vì có thể khai thác phát triển du lịch sinh thái với ẩm thực của người Mường, du lịch chăm sóc sức khỏe, ngâm thuốc của người Dao” - ông Phạm Hải Quỳnh chia sẻ.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ du lịch Thủ đô Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, Ba Vì cần xác định phát triển du lịch xanh, gần gũi thiên nhiên làm sản phẩm cốt lõi, từ đó nâng cấp sản phẩm, dịch vụ để phát triển các dòng sản phẩm chữa lành, nghỉ dưỡng cao cấp.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong chiến lược phát triển du lịch, thành phố Hà Nội chủ trương phát triển du lịch xanh, thông minh và bền vững. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Hà Nội đang định hướng phát triển du lịch bền vững trong đó tập trung vào du lịch xanh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, gắn với cộng đồng.

Ba Vì được xem là “lá phổi xanh” của Thủ đô, là một trong những điểm đến được xác định lấy tài nguyên thiên nhiên làm nền tảng cho sự phát triển du lịch. Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, khảo sát và xây dựng các dòng sản phẩm du lịch xanh thân thiện, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với khám phá bản sắc văn hóa bản địa để tạo sự khác biệt cho du lịch ngoại thành của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi mới cho du lịch Ba Vì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.