Mùa hè cũng là mùa cao điểm của du lịch biển, khi nhiều người tìm đến đây để tận hưởng không khí mát mẻ và thưởng thức hải sản tươi ngon. Tuy nhiên, không ít người gặp phải tình trạng dị ứng, ngộ độc sau khi ăn hải sản, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả đã tiếp nhận và cấp cứu một trường hợp ngộ độc sau khi ăn so biển. Theo chẩn đoán, bệnh nhân bị ngộ độc Tetrodotoxin độ 2 - một loại độc tố thần kinh cực mạnh có trong so biển. Các bác sĩ cho biết, so biển có hình dáng rất giống sam nên dễ bị nhầm lẫn. Trong khi sam là loại hải sản có thể ăn được, thì so biển lại chứa Tetrodotoxin - chất kịch độc với hệ thần kinh, tập trung nhiều ở trứng, gan và ruột. Đáng lưu ý, chất độc này không bị phân hủy trong quá trình nấu chín. Chỉ cần một lượng rất nhỏ Tetrodotoxin cũng có thể gây ngộ độc nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Ngoài so biển, Tetrodotoxin còn được tìm thấy trong một số loài hải sản khác như cá nóc, bạch tuộc đốm xanh... Độc tố này hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, với các triệu chứng xuất hiện sau 10 - 45 phút kể từ khi ăn như tê quanh miệng, lan ra tứ chi; buồn nôn, tiêu chảy, tăng tiết nước bọt; yếu cơ, đi lại khó khăn; khó nói, khó thở. Trường hợp nặng có thể dẫn đến liệt cơ hô hấp, tụt huyết áp, hôn mê và tử vong.
Ngoài nguy cơ ngộ độc, nhiều người có thể gặp phản ứng dị ứng ngay cả khi ăn các loại hải sản phổ biến như tôm, cua, sam biển... Trong các loại thực phẩm này, bên cạnh những protein có lợi cho cơ thể còn tồn tại các loại protein “lạ”. Khi đi vào cơ thể, những protein “lạ” trong hải sản có thể bị hệ miễn dịch nhận diện và phản ứng lại bằng cách tạo ra kháng thể để chống lại. Nếu tiếp tục ăn hải sản, các chất gây dị ứng sẽ kích thích kháng thể phản ứng mạnh hơn, kết hợp với tế bào miễn dịch và giải phóng histamin - một chất trung gian gây ra các triệu chứng dị ứng. Tùy vào cơ quan bị ảnh hưởng, histamin có thể gây ra loạt triệu chứng từ nhẹ đến nặng: Hắt hơi, ngạt mũi, khó nuốt, khó thở (khi tác động lên vùng mũi, vòm miệng, họng); đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn (khi tác động lên đường tiêu hóa); nổi mề đay, phát ban, ngứa (khi tác động lên da).
Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể rơi vào tình trạng sốc phản vệ - phản ứng dị ứng cấp tính, nguy hiểm đến tính mạng. Biểu hiện gồm da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp... Nếu không được cấp cứu kịp thời, sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng - nguyên Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai; giảng viên bộ môn Tiêu hóa, Trường Đại học Y Hà Nội, nhiều người vẫn chủ quan trước các triệu chứng dị ứng hải sản, thậm chí cho rằng "ăn quen sẽ hết dị ứng". Tuy nhiên, theo bà, những người đã từng bị dị ứng, nếu tiếp tục ăn lại, các triệu chứng ở lần sau thường nặng hơn lần trước.
Với những trường hợp dị ứng nhẹ như nổi mề đay, ban đỏ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, người bệnh có thể theo dõi tại nhà. Thường chỉ cần ngừng ăn loại hải sản gây dị ứng vài ngày là triệu chứng sẽ thuyên giảm. Có thể kích thích gây nôn để loại bỏ thức ăn còn sót trong dạ dày. “Nếu tiêu chảy hoặc nôn quá nhiều có thể sử dụng thuốc cầm tiêu chảy, thuốc chống nôn. Trong trường hợp mất nước nghiêm trọng, người bệnh cần nhập viện để được điều trị kịp thời. Ban đỏ nhẹ có thể tự hết, nhưng nếu xuất hiện các nốt phỏng nước thì cần đến cơ sở y tế. Đặc biệt, nếu xuất hiện các dấu hiệu dị ứng nặng như khó thở, tím tái, mạch nhanh, tụt huyết áp, hoảng loạn... phải đưa người bệnh nhập viện ngay lập tức” - PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng cảnh báo.
Để phòng tránh các triệu chứng dị ứng hay ngộ độc hải sản khi du lịch biển, các chuyên gia y tế khuyến cáo, với những người từng có tiền sử dị ứng hải sản, cần nhớ rõ loại hải sản gây dị ứng để tránh dùng lại. Người dân không nên ăn các loại hải sản lạ, chưa từng sử dụng trước đó; tránh ăn hải sản được đánh bắt ở khu vực biển ô nhiễm, có thủy triều đỏ, do nguy cơ nhiễm tảo độc rất cao - đặc biệt với các loại có vỏ như nghêu, sò, ngao... vốn khó phân biệt bằng mắt thường. Khi ăn tại nhà hàng, nên chọn quán ăn sạch sẽ, có uy tín và nguồn gốc hải sản rõ ràng. Nếu mua về tự chế biến, cần lựa chọn kỹ, ưu tiên hải sản còn tươi sống, được bảo quản đúng cách và có nguồn cung cấp đáng tin cậy.
Ngoài ra, người dân cần tránh ăn hải sản cùng lúc với thực phẩm giàu vitamin C. Nguyên nhân là hải sản chứa asen pentavalent - vốn không gây hại trong điều kiện bình thường, nhưng khi kết hợp với lượng lớn vitamin C có thể chuyển hóa thành asen trioxide (thạch tín), gây ngộ độc cấp tính, thậm chí tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên thận trọng khi lần đầu cho trẻ ăn hải sản. Cách tốt nhất là thử một lượng rất nhỏ để theo dõi phản ứng trước khi tăng dần khẩu phần. Những người có cơ địa dị ứng nên mang theo thuốc điều trị phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp người ăn hải sản xuất hiện dấu hiệu nghiêm trọng như khó thở, thở yếu hoặc ngừng thở, tím tái..., cần nhanh chóng tiến hành hô hấp nhân tạo và đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Hiện nay, chưa có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc hoặc dị ứng hải sản, việc điều trị chủ yếu là hồi sức tích cực và kiểm soát triệu chứng, do đó tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, tránh gây biến chứng nguy hiểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.