(HNM) - Theo dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường vừa được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi, mức thuế bảo vệ môi trường với nhiều mặt hàng, trong đó có xăng dầu sẽ điều chỉnh tăng kịch trần.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính khẳng định, việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường được đề xuất như một giải pháp cơ cấu lại nguồn thu ngân sách.
Xăng dầu là mặt hàng được đề xuất điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường. Ảnh: Bá Hoạt |
- Đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với nhiều mặt hàng đang được Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành. Ông có thể cho biết vì sao Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này?
- Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2012, quy định thu với 8 loại hàng hóa. Sau hơn 6 năm thực hiện, Luật đã đạt được nhiều kết quả, song thực tế cho thấy cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường. Việc làm này là để thực hiện chủ trương về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công nhằm bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng có Nghị quyết số 25/2016/QH14 (ngày 9-11-2016) về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 đề ra giải pháp cơ cấu lại ngân sách. Theo đó, phải cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước, khai thác tốt các nguồn thu từ tài sản, tài nguyên và môi trường. Tại phiên họp lần thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung luật thuế tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm, ngoài một số ý kiến cho rằng cần thiết phải mở rộng đối tượng chịu thuế, cũng có ý kiến góp ý cần làm rõ cơ sở khoa học để xem xét mở rộng khung, đồng thời đề nghị trong khung thuế tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 còn cho phép, nếu cần thiết Chính phủ có thể điều chỉnh mức thuế... Do vậy, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến thông báo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp và các ngành liên quan nghiên cứu đề xuất điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, để phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế còn xuất phát từ thực tế hội nhập, nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế (Việt Nam đã tham gia 11 hiệp định thương mại tự do - FTA), cũng như phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử, mặt hàng xăng, mức thuế nhập khẩu cam kết trong WTO là 40%, tuy nhiên mức thuế ưu đãi trong FTA chỉ có 20%. Theo lộ trình thực hiện các FTA, chúng ta còn phải giảm dần mức thuế nhập khẩu đối với xăng dầu xuống mức ưu đãi nhất là cả xăng và dầu đều về 0%, riêng trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ ASEAN, thuế nhập khẩu dầu đã về 0% từ năm 2015.
Theo văn bản lấy ý kiến góp ý dự thảo về biểu thuế bảo vệ môi trường, từ ngày 1-7-2018, với xăng, dầu, khung thuế sẽ là 1.000 - 4.000 đồng/lít, trong khi mức thuế hiện hành là 3.000 đồng/lít. Cụ thể, xăng được đề xuất tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên trần 2.000 đồng/lít... Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường mức kịch trần đối với ni lông lên 50.000 đồng/kg thay vì mức thuế hiện hành là 40.000 đồng/kg. |
Một lý do khác phải điều chỉnh tăng thuế là khắc phục hạn chế của biểu thuế bảo vệ môi trường hiện hành. Hiện, thuế bảo vệ môi trường của một số hàng hóa đang ở mức thấp so với mức độ tác động đến môi trường khi sử dụng của các hàng hóa này. Ví dụ, với túi ni lông, mặc dù trong biểu thuế hiện hành đã quy định mức thuế tương đối cao, nhưng lượng tiêu thụ túi ni lông vẫn lớn, nên trong dự thảo mới Bộ Tài chính đề xuất tăng kịch trần.
- Có ý kiến cho rằng, việc đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lần này là nhằm mục tiêu bù đắp thiếu hụt ngân sách. Ông có thể lý giải thêm về điều này?
- Chúng ta cần phải nhìn nhận trên nhiều góc độ khác nhau. Đối với xăng dầu, hiện nay chúng ta đang thực hiện các FTA và thuế nhập khẩu đang giảm rất nhanh. Việc tăng thuế khác có thể nói là một trong những nguồn để bù đắp lại nguồn thu từ nhập khẩu. Tuy nhiên, trên góc độ bảo vệ môi trường có thể thấy, xăng dầu cũng như túi ni lông, là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường. Không chỉ nước ta mà các nước trên thế giới đều quy định riêng sắc thuế với xăng dầu và các mặt hàng này để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Thiết thực nhất là từ ngày 1-1-2018, ngừng sử dụng xăng A92 để sử dụng xăng E5 nhằm bảo vệ môi trường. Mặt khác, giá xăng dầu của nước ta hiện nay thấp so với các nước có chung đường biên giới, các nước Châu Á cũng như một số quốc gia khác trên thế giới.
- Việc tăng thuế như trên sẽ thu về cho ngân sách nhà nước bao nhiêu và nguồn thu này sẽ được sử dụng cho mục đích gì? Dự luật mới nếu được thông qua, sẽ có hiệu lực vào thời điểm nào, thưa ông?
- Việc tăng thuế toàn bộ các mặt hàng dự kiến sẽ góp phần tăng thu ngân sách khoảng 15,6 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng xăng là gần 8 nghìn tỷ đồng. Theo Luật Ngân sách nhà nước, tất cả nguồn thu từ thuế đều tập trung vào ngân sách nhà nước, trên cơ sở đó phân bổ chi cho các nhiệm vụ theo dự toán Quốc hội quyết định, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Bộ Tài chính đang đề xuất áp dụng mức thuế mới từ ngày 1-7-2018.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.