(HNMO) - Quốc hội cần xem xét, chỉnh sửa dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sao cho phù hợp, vì lợi ích chung của người lao động, người sử dụng lao động, đảm bảo sự tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt phù hợp với công ước và thông lệ quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tổ chức sáng nay 23-2 với sự tham dự của nhiều sở, ngành liên quan, các chuyên gia và những nhà nghiên cứu luật.
Các ý kiến đều nhất trí cho rằng thời gian nghỉ 6 tháng là phụ hợp. Ảnh minh họa: Internet |
Liên quan tới nội dung tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, các ý kiến đều nhất trí cho rằng thời gian nghỉ 6 tháng là phụ hợp với đa số nguyện vọng của chị em và bảo đảm sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Luật cũng nên quy định riêng trường hợp nghỉ thai sản cho lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... Đại diện LĐLĐ huyện Gia Lâm đề nghị luật bổ sung thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ nhận con nuôi dưới 12 tháng tuổi như những trường hợp trên nhằm bảo đảm sự công bằng đối với những phụ nữ không may mắn do không sinh, nở được.
Đối với tuổi nghỉ hưu, các ý kiến thống nhất Quốc hội nên giữ nguyên như quy định hiện hành: năm 60 tuổi và nữ 55 tuổi. Tuy nhiên nên có quy định ủy quyền cho Chính phủ quy định giảm hoặc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với một số đối tượng là người lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo hoặc tăng tuổi nghỉ hưu quy định riêng cho người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý... để họ có cơ hội cống hiến tài năng ở độ chín muồi, trên cơ sở sức khỏe bảo đảm…
Dẫn ra trường hợp nhiều người lao động viết đơn xin nghỉ việc trước vài ba tháng khi đến hạn nghỉ hưu để được hưởng trợ cấp lao động, đại diện Tổng công ty vận tải Hà Nội cho rằng đây là một hiện tượng lách luật, gây không ít khó khăn cho những người sử dụng lao động. Để hạn chế tình trạng này, Quốc hội cần quy định rõ trong luật về các trường hợp trợ cấp thôi việc và đơn phương xin nghỉ việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.